Truyện Ngắn
Vườn Xưa
06.2010
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài,
Có giàn thiên lý, có người tôi yêu.
Hai câu cuối trong bài thơ Nhà Tôi của Quang Dũng thật chẳng phù hợp cho cảnh sống của chúng tôi trong lúc này.
Vì….ở đây không có đầu thôn cuối xóm. Hàng dãy dãy chung cư khó khăn lắm cũng không tìm đâu ra một giàn thiên lý…chỉ còn có bốn chữ cuối trong bài gượng gạo ghép vào…hai người già luống tuổi đang dìu dắt đùm bọc nhau cho đến cuối cuộc đời.
Chúng tôi ở nơi đây cũng đã quá là lâu. Nếu tính thời gian thì 30 năm dài cũng quá đủ cho một con người sinh ra rồi lớn lên tạo dựng một cuộc sống.
Đúng, không sai!
Căn chung cư này đã gắn bó với gia đình tôi nhiều thật nhiều kỷ niệm. Từ lúc ba đứa trẻ đi nhà trẻ đến bước vào trung học rồi đại học ..rồi rời nhà đi làm …Cứ như là vòng tròn xoay của quả đất, xoay và xoay mãi không ngừng.
Vì như thế nên khung cảnh chung quanh rất là quen thuộc đến độ cứ nhắm mắt lại người ta cũng hình dung được ngay: Bắt đầu khi bước ra khỏi cửa nhà là bạn sẽ thấy ngay bến xe Bus trước mặt. Xe chạy rất đúng giờ đúng khắc nên không ai phải đứng chờ đón chỉ cần xem bảng giờ xe chạy là an toàn.
Mỗi ngày tôi đã từng lên xe, xuống xe đi đi về về trên tuyến đường quen thuộc này để đến nơi làm việc và ban chiều lại quay về nơi trú ngụ.
Công việc và đường đi như in vào trong tâm trí, cứ xem này:
Bắt đầu 5 phút trôi qua từ khi xe Bus chuyển bánh ta sẽ đi ngang qua một ngã tư đầu tiên, nơi đó là một dãy quán hàng nào là tiệm bánh mì mỗi buổi sáng mùi thơm tỏa ra ngào ngạt của những loại bánh ngọt, bánh mì từ trong lò nướng vừa được mang ra. Rồi bên cạnh là siêu thị với hàng hoá chất đầy như núi, sang đến nhà bưu điện, nhà băng, tiệm uốn tóc, sạp bán báo với vé số rồi một hàng dài với những biển treo nha sĩ, bác sĩ…..vv..vv..
Xe Bus sẽ đưa tôi đi tiếp tục sang một ngã tư thứ hai. Ở đây, nhìn sang hai bên đường ta sẽ thấy nhiều thật nhiều căn nhà nhỏ xíu xiu dành cho dân bản xứ …ra làm vườn vào những tháng hè ngắn ngủi. Họ trồng hoa, rau cải và phơi nắng vào những năm nào không đi nghỉ hè sang các nước láng giềng.
Tôi lại đi sang chuyện khác rồi thì phải?
Ta quay về chuyện xe Bus và tiếp tục đi…..
Mảnh vườn rộng vừa qua, bây giờ nhìn sang bên phải đó là ngôi nhà thờ khá lớn. Nằm cạnh bên là một nhà giữ trẻ, sáng sớm nhìn cảnh tấp nập của những ông cha, những bà mẹ vội vội vàng vàng mang con đến gửi cho kịp giờ đi làm. Đám trẻ con cứ ríu rít như đàn chim non hót rộ trên những tàng cây, tuy vậy vẫn chưa đủ để thực sự diễn tả một buổi sáng sinh hoạt ở nơi đây.
Xe đưa chúng ta đi khoảng 15 phút là đến nhà ga chính của khu phố này. Cũng ở đây, nếu đi vào trung tâm thành phố thì bạn sẽ phải đổi xe điện và từ đó bạn có thể đi khắp nơi đông tây nam bắc (nước Đức được khen là phương tiện công cộng rất tiện dụng và phổ thông, chính phủ vẫn kêu gọi dùng xe công cộng hơn là dùng xe nhà vì mỗi sáng chạy xe hơi ra xa lộ là luôn luôn gặp cảnh kẹt xe).
Nhà ga chính, nơi đây tập trung hầu hết các học sinh từ các ngôi trường xung quanh. Chúng ào ào như một đàn ong vỡ tổ. Đám học trò đủ các lứa tuổi từ tiểu học, trung học, học nghề …vv…vv.. Chúng ồn ào khiếp đảm, đúng nghĩa chữ này là chúng ta phải… bịt tai lại.
Ôi! Đủ hết các đề tài.
Từ làm bài xong hay chưa xong đến học bài thuộc hay chưa thuộc rồi sang Handy cũ mới tối tân ra sao quay sang IPad, những ban nhạc đang thịnh hành hay những ca sĩ nào đang là Top hit….vv…vv…náo loạn như một đoàn quân thiếu người chỉ huy….. Nhưng đúng 20 phút từ lúc lên xe thì giờ đây một ngã tư cuối cùng tôi cũng như đám học trò cùng nhau xuống xe. Chúng đi về hướng bên trái còn tôi thì đi ngược lại dòng thác đổ đang chảy mạnh trên nguồn.
Bạn sốt ruột chưa?
Vườn Xưa đâu? Sao chỉ đọc thấy đi quanh quanh với chiếc xe Bus và đám học trò ồn ào như đàn ong và những ngã tư?
Đây! Đây là ngã tư cuối trong chuyến xe Bus mỗi ngày tôi phải đi qua để đến nơi làm việc.
Góc phố này, bên kia là trường học. Bên nay là vài ba quán tiệm bán nước, bán xe Honda, Yamaha nhưng loại xe hai bánh bên nay không bé nhỏ 60 hay 90 phân khối như bên nhà mà ngược lại to lớn dềnh dàng có lẽ vì vậy mà dân mình hiếm người chạy xe này, hơn nữa sau vài ba tháng mùa hè lại phải mang cất vào gara. Sát những tiệm này là ba căn nhà tư nhân mà căn đầu tiên mỗi lần đi ngang tôi phải dừng chân lại vài ba giây nhìn …nhìn một lúc rồi mới tiếp tục đi.
Chỉ một miếng vườn khá rộng, dài bao phủ hết căn nhà nhưng không một giống hoa nào được ươn vào mùa hè, cỏ mọc cao tới gối, trái ngược hẳn với những người dân bản xứ cư ngụ chung quanh. Chỉ vỏn vẹn một cây táo đỏ già đứng trơ trọi một mình nơi khoảnh vườn rộng ấy. Mùa đông tới, nhìn tuyết phủ trắng xóa cây táo già lại càng cô đơn và thật buồn.
Lắm lúc tôi cũng tự hỏi lại chính mình, vì lý do gì mà cứ mãi vấn vương căn nhà ấy? Có phải nó cô quạnh, cô đơn, xấu xí và buồn bã quá hay không? Có vài lần tôi đã nhìn thấy cặp vợ chồng già người bản xứ ấy đi chầm chậm ra lấy thư hay quét vài ba chiếc lá rồi lại chậm rãi đi vào. Nhìn cảnh ấy mấy ai lại không ghét chữ ... già như tôi đây? Bất giác tôi lại chạnh lòng nghĩ đến mai này mình cũng sẽ già đi như họ, đám con mỗi đứa đều có phần của bọn chúng ... rồi mình cũng đi nhặt lá vàng, đi quét lá như họ hôm nay.
Ở đây không mấy giống bên nhà, hiếm hoi mới thấy ông bà nội ngoại ở chung với đám con cháu. Phần lớn họ đều vào nhà dưỡng lão rồi qua đời ở đó hay họ ở cô đơn như cặp vợ chồng già mà tôi vẫn nhìn thấy họ lâu nay.
Mùa xuân trôi qua, đã mấy độ mùa thu cũng buồn bã giã từ. Cây táo đỏ già nua như vẫn trơ gan cùng thời gian. Vở tuồng Thời Gian vẫn cứ diễn đi diễn lại cảnh cũ, nhà đạo diễn hình như cũng chẳng muốn thay vai, những vai đã già nua và quen thuộc đến độ thuộc lòng nên khán giả cũng đã lơ là…
Nhưng tuần nay khi xuống xe Bus để đi đến nơi làm việc…hình như có gì khác lạ nơi căn nhà kia?
Căn nhà đã được sơn lại, một màu trắng mới đã che hết các bức tường nơi nước sơn cũ loang lổ. Cửa sổ cũng thay màu và màn cửa đã được đổi thành màu xanh mới tinh màu vải. Khu vườn? Khu vườn có cây táo đỏ già nua đã bị bứng mất trồng vào đó là những dãy hoa hồng và thược dược. Hàng rào màu hạt dẻ lấp lánh khi ánh nắng ban mai chiếu vào và thảm cỏ cao quá đầu gối úa màu cũng đã được xóa mất, cổng vào nhà đã được phủ kín một hàng hoa giấy tím và đỏ ửng, hoa chen nhau đến ngợp mắt. Còn hàng hiên đã được dựng lên chạy dài từ đầu đến cuối nhà khá mỹ thuật với những thanh gổ gụ đan xen kẻ như những ô hình vuông vắn. Bỗng dưng tôi thấy thật buồn cười cho chính mình, tại sao lại để ý quá nhiều như thế với một căn nhà không quen?
Thế nhưng…
Một sáng thứ hai sau ba tuần nghỉ hè tôi trở lại nơi làm việc.
Vừa xuống xe Bus, tôi chợt đứng chết trân khi nhìn thấy hàng hiên của căn nhà kia. Mấy dây leo bông màu vàng quen thuộc của giống khổ qua, mỗi chân trụ của mái hiên là những chậu cây to to là giống bí, giống bầu đang cố vươn nhanh lên giàn.
Cảnh này không thể có ở cái xứ lạ mà tôi đang dung thân?
Cách chưng bày vườn tược này cũng không thể nào là của người dân bản xứ được. Cổng nhà với giàn hoa giấy cong cong? Còn nửa một khoảnh đất vuông cuối vườn …hình như những liếp rau tần ô, liếp rau ngò đang chen nhau cười với gió.
Khung cảnh quá quen thuộc làm tôi đứng ngẩn ngơ như mình đang trở lại thời gian xa xưa bên quê nhà. Chợt nhớ lại mình phải rão chân nhanh cho kịp giờ làm việc, vừa đi tôi vừa tiếc nuối làm sao. Nhủ thầm nhất định nay mai tôi sẽ ghé sát mắt vào thùng thư xem tên họ người chủ nhân căn nhà mới này là ai.
Những ngày sau đó, tôi có cảm giác mình đang là một thám tử, đi điều tra tên người chủ của một căn nhà.
Vẫn là Paul Maier, tên của một người bản xứ. Chẳng lẽ ông có bà con thân thuộc với quê hương tôi?
Mùa hè đang ở đây. Cái nóng bốc lửa cũng như bên nhà, thời tiết đã lên 37- 38 độ dương. Bóng mát của những nhánh dây leo nơi căn nhà xa lạ bắt buộc tôi cứ phải dừng chân mỗi khi đi ngang qua. Những trái bí đao tròn trịa dài ngoằng xanh mướt chen cạnh mấy trái khổ qua nho nhỏ ... rồi hàng bông giấy tím đỏ …
Tôi đã nhớ ra cái cảnh tượng quen thuộc này từ đâu.
Từ cái ước mơ xa vời của người bạn Thúy Trúc của tôi đã vẽ ra lúc còn thơ.
Đúng rồi!
Từ bạn của tôi! Thúy Trúc!
Khi lớn khôn, nếu có tiền Thúy Trúc sẽ mua một căn nhà nhỏ, có chút vườn chung quanh, cổng nhà sẽ làm một giàn hoa giấy với hai màu tím đỏ. .. sẽ làm một hàng hiên che nắng với giàn bầu bí, còn thêm vài ba liếp rau xanh…..
Đúng! Đó là ước mơ đơn giản và thật mơ hồ khi còn thơ, khi chúng tôi còn đi học với nhau.
Lúc đó chúng tôi như bóng với hình. Bất giác tôi chợt muốn tìm kiếm quanh đây và hình như Thúy Trúc ... hình như bạn của tôi cũng đang ở gần gủi đâu đây.
Căn nhà cứ ám ảnh tôi bất kể là sáng, trưa hay chiều. Cứ đi ngang nơi đó là đôi chân của tôi cứ tự động dừng lại.
Một lần đánh bạo, ghé sát cổng tôi nhất định gỏ cửa vào nhà và hỏi cho tường tận với tâm trạng biết đâu mình sẽ tìm ra được một câu trả lời. Tôi rụt rè bấm chuông. Bóng dáng một người đàn ông khá lớn tuổi bước ra, vẻ mặt thân thiện nhìn tôi với một nụ cười:
- Bà hỏi ai?
Thật ngượng ngùng, hỏi ai? Tôi thật sự nào có biết muốn hỏi ai?
Tôi chỉ vào chiếc cổng với nhiều hoa giấy tím đỏ, chỉ vào liếp vườn đang đầy rau xanh, chỉ vào hàng hiên với những trái bí bầu đang lơ lửng trên giàn. Tôi xin ông chịu khó nghe tôi trình bày vài ba phút để kể cho ông ta nghe về người bạn xa xưa của tôi…
Chưa dứt câu, ông reo vui và thái độ hầu như quen thuộc hẳn lên:
- Thúy Trúc? Có phải bà đang kể về Thúy Trúc, về vợ của tôi?
Từ đâu trong giây phút này tôi trở thành một người câm? Cổ họng nghèn nghẹn hình như có vật gì đang chèn lại, nước mắt trào ra lúc nào không hay. Còn Paul, ông ta quay vào nhà gọi to:
- Em này, có người quen của em đang tìm đây.
Tôi muốn nín thở và lặng im, hai mắt chỉ muốn tập trung vào cái bóng nhỏ nhắn đang từ từ di động đến gần ... đến gần … bóng dáng quen thuộc của bạn tôi? Mái tóc dài đã được bối lên sau gáy, hình ảnh thon thả dịu dàng ngày xưa vẫn còn đây, chỉ khuôn mặt với nhiều nét của thời gian thì có phần thay đổi nhưng đúng là Thúy Trúc bạn tôi đây rồi.
Không có tiếng reo mừng như xưa mỗi lần chúng tôi gặp nhau, không có âm thanh bể vụn như thủy tinh của hai đứa lúc cười đùa. Chỉ có tiếng khóc nhẹ ... rồi nghẹn ngào ... rồi nức nở của chúng tôi.
Paul đã đi nhẹ ra hàng hiên.
Thúy Trúc kể cho tôi nghe thật nhiều khoảng thời gian sau đó.
Ba mất lúc nào không một ai hay khi còn trong cải tạo, mẹ của Trúc buồn bã rồi vài năm sau cũng ra đi, hai em của Trúc lưu lạc khắp nơi để sống. Vài năm sau đó Thúy Trúc bỏ Đàlạt và về Sàigòn sinh sống, bà dì cho làm trong nhà hàng nhỏ của bà ngày ngày sống như vậy cho đến một ngày gặp Paul.
Anh công tác ở Việt Nam, tình cờ một lần ghé quán cô bồi nho nhỏ mang thức ăn ra với một câu dịu dàng chúc ăn ngon bằng tiếng anh. Anh đã như bị cuốn hút vào người con gái đó. Hết thời gian làm việc anh ngỏ ý muốn lập gia đình và mang Thúy Trúc sang đây.
Thời gian qua, cả hai đều đã lớn và không có con cái gì hết. Anh cũng chấp nhận vì người đàn bà Việt Nam này đã được anh yêu quý thật lòng.
Những ngày tháng dài buồn tênh ở đây, lúc đầu Thúy Trúc muốn quay về Việt Nam. Nghĩ lại lúc đó Paul thật buồn, anh muốn cho Thúy Trúc những niềm vui như ở quê nhà nên đã tạo dựng cảnh nhà như ý muốn và ước mơ của Thúy Trúc.
Vì vậy mà tụi mình lại được gặp nhau. Chúng tôi đã nói với nhau với những hàng nước mắt tuôn dài.
Ôm Thúy Trúc vào lòng, tôi muốn nói thật nhiều với người bạn thân mà đã quá sức là lâu không được gặp. Hình như hai đôi mắt và tia nhìn đã giúp chúng tôi tỏ lộ cho nhau hiểu và cho nhau niềm vui hội ngộ.
Ôi! Cái cõi mênh mông và xa lạ này vẫn còn ban tặng cho chúng tôi một niềm vui to tát. Vỗ về bạn trong tay, tôi thì thào thật nhỏ giọng:
Các con của mình sẽ là con của Thúy Trúc, chúng nó sẽ về và ghé thăm. Các cháu sẽ thương yêu bạn cũng như mình, từ nay tụi mình sẽ ở gần nhau như những ngày xưa.
Thúy Trúc cười với tôi. Đôi mắt đỏ hoe, âm thanh vẫn dịu dàng nhỏ nhẹ như xưa:
Bên nhà bao năm dài mình đã khóc, nhưng lần này mình cũng khóc mà lạ chưa nước mắt rơi mà tâm hồn thì lại nhẹ nhàng, có phải là khóc trong niềm sung sướng hay không?
Người bạn nhỏ ngày xưa của tôi. Giàn hoa giấy tím đỏ, hàng hiên với cây trái quê nhà, liếp vườn con với những tần ô, ngò rí đã cho chúng ta gặp nhau.
Xin cảm ơn trời đất, cảm ơn phần đất tạm dung cho chúng tôi được sống và được an vui với phần đời còn lại. Từ nay, dưới hàng hiên đầy bí bầu, khổ qua xanh um. Thúy Trúc và tôi sẽ ngồi với nhau hàng giờ, kể cho nhau nghe ngàn ngàn câu chuyện …..
Ngày xưa với những ước mơ mà mình cứ tưởng chừng sẽ chẳng có khi nào trở thành sự thật.