Truyện Ngắn

Tháng Ngày Còn Lại

06.2009

 

Buổi chiều tháng 6 năm 1995.

Đang dùng cơm thì điện thoại reo. Tôi cầm điện thoại lên, giọng nói của một người đàn ông bản xứ thấp thoáng vẻ nhỏ nhẹ lẫn ngập ngừng:

Xin lỗi, có phải bà là bà Minh Trang?

Chính tôi.

Vợ tôi muốn trò chuyện cùng với bà.

Thoáng ngỡ ngàng nhưng tôi cũng lắng im chờ đợi…

Một giọng nói khá quen thuộc nhưng tôi chưa nhớ là ai…

Anh chị đó phải không? Đúng là anh chị rồi, em đi tìm anh chị quá sức là khổ sở…..

Tôi nghe được chỉ ngần ấy rồi có tiếng khóc òa lên…vẫn chưa kịp nhớ ra là ai thì tiếng nói hòa lẫn trong tiếng khóc nức nở lại vang lên:

Em là Tuyết Mai đây! Em của anh chị đây.

……………………..

Một chuỗi dài kỷ niệm vụt hiện ra…

Cô bé Tuyết Mai này chúng tôi ( phải nói là nhà tôi) đã quen với em sau năm 1975 lúc anh và cô bé này vào làm chung một nơi làm việc.

Tuyết Mai thật là hiền lành, nhút nhát, ít nói và luôn an phận chịu đựng nên bị hầu hết những người chung quanh lấn lướt, bắt nạt chưa kể đến lão thủ trưởng háo sắc luôn tìm đủ mọi cách kề cận bên em hầu có những mưu đồ bất chính khi lão có dịp. Chính nhà tôi đã kể cho tôi nghe nhiều lần về em, xem em như đứa em nhỏ của chính mình, còn nhiều lần đứng ra bênh vực. Anh vẫn nói với Tuyết Mai thà rằng mất việc anh sẽ đi tìm nơi khác chứ đứng im nhìn những bất công mà cứ cúi đầu anh quyết không làm…

Vài năm sau chúng tôi rời quê hương.

Trước đó anh có viết vài dòng ngắn ngủi cho Tuyết Mai khuyên em hãy bỏ nơi này, sẽ có lúc bên cạnh không còn ai che chở hay bênh vực….

Định cư trong một hai năm đầu nơi xứ người. Thỉnh thoảng có chút ít tiền dành dụm thì chúng tôi lại chắt mót gom góp gửi về nhà cho người thân kể cả Tuyết Mai khi thì thuốc men khi thì chút quà nho nhỏ ngỏ hầu em sẽ qua bớt được phần nào túng quẫn.

 

Một vài lá thư sau đó nghe tin em có gia đình với người anh ruột của cô bạn thân còn cuộc sống chúng tôi ở đây thì cứ như mắc cửi, thư từ cũng vì vậy mà thưa dần…..mãi đến hôm nay gần 18 năm dài chúng tôi mới lại được nghe giọng nói của em.

Tiếng khóc cứ rấm rức kèm với những lời kể lể… thì ra:

Khi anh chị đi, một năm sau đó em lập gia đình và sinh một cháu trai kháu khỉnh, cháu vắn số chỉ vài tháng thì đau ốm và qua đời. Khúc quanh của đời em cũng rẽ thật mau khi người chồng chưa đếm đủ những ngày âu yếm đã quay sang hướng khác.

Vận số đen đủi cứ đi theo em không một phút buông tha. Một ngày đi về nhà, chiếc xe Honda của kẻ lạ mặt chạy nhanh và tông vào em. Không buồn dừng lại hỏi han thương tích, kẻ vô lương tâm kia rồ thêm ga và chạy mất hút.

Gót chân bị thương về nhà sưng lên làm mủ. Nhìn hết mọi nơi trong nhà chẳng có gì đáng giá để em mang đi bán hầu có phương tiện chữa trị. Cứ để gót chân sưng vù như vậy rồi chân thấp chân cao mỗi ngày đi làm ai nhìn cũng xót xa nhưng hoàn cảnh ai cũng khổ như ai lấy gì mà giúp đỡ cho nhau.

May mắn cho em lúc đó, giấy báo nhận quà của anh chị gửi về kèm chút tiền của người bạn thân từ Mỹ, em mang đánh đổi hết và dùng số tiền này trị liệu gót chân của em ( em nghẹn ngào trong tiếng khóc) Chị ơi! Nếu không có anh chị và bạn em lúc đó thì em đã thành một người què chân rồi.

Năm 1993, người anh của em từ Tây đức về thăm mang theo Ralf một người bạn bản xứ. Anh của em có nói nếu cả hai đều thích hợp thì cưới nhau và Ralf sẽ mang em đi sang đây.

Ralf cũng là một người đàn ông khổ nạn. Cha mẹ bỏ nhau khi còn bé, mẹ Ralf say sưa và đánh đập Ralf suốt ngày. Đứa con này là một vật vướng chân nên bà ta đã nhẫn tâm mang Ralf bỏ vào viện mồ côi. Suốt thời gian thơ ấu chỉ có bà mẹ nuôi và sơ Susanne tới lui thăm viếng cũng như khuyên răn giúp đỡ.

Trái ngược với những đứa bé mồi côi lớn lên với môi trường dữ tợn và lăn vào đời sống buông thả. Ralf nhút nhát và sợ hãi với hết thảy mọi người. Nhìn đâu cũng bị ám ảnh với những cơn đánh đập tàn nhẫn của mẹ mình, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh say sưa của bà ta .

Khi Ralf được 16 tuổi, bà mẹ nuôi đã tìm cho Ralf một chân học nghề trong một hãng làm bánh và sau đó thì làm việc ở đó đến nay. Đến lúc gặp em, Ralf chưa hề biết tình yêu hay cảm xúc dịu dàng của người khác phái. Em lại già hơn Ralf thật nhiều tuổi nhưng Ralf cũng bằng lòng và làm giấy tờ đưa em sang Đức.

Chị ơi! Đến ngày cưới em lại khóc ròng. Có lẻ ngoài em ra không một đám cưới nào mà hai họ lại ít oi  như ngày cưới của chúng em như thế. Ngoài nhân viên hộ tịch, anh thông dịch viên, bà mẹ đỡ đầu và sơ Susanne, còn anh của em thì mãi rong chơi ở đâu chưa thấy về.

Từ đó em dốc hết lòng đi tìm kiếm anh chị. Địa chỉ anh chị gửi về em đã làm mất hết để đi tìm em lục hết những cuốn điện thoại của các thành phố ra và ai có tên trùng hợp với anh chị em đều bảo Ralf gọi tới hỏi thăm. Tiếc tất cả đều không phải là người em muốn đi tìm. Tám năm trôi qua, em hầu như đã tuyệt vọng. Anh chị ở phương nào? Sao không có một sự cảm nhận nào trong sự tìm kiếm của em?

Em khóc ràn rụa, kể lể không ngừng trong điện thoại. Tôi đứng nghe mà ái ngại làm sao. Chỉ lắng tai nghe mà không hề ngắt quảng giây phút nào. Em cứ khóc đi, cứ trãi bày tâm tư mình đi, nước mắt có chảy thì sẽ vơi đi phần nào đau xót trong lòng em lâu nay.

Chúng tôi quyết định thu xếp ngay trong tuần tới lên thăm em và gia đình. Tiếng reo mừng rỡ như giọng hót con chim vành khuyên của em năm nào mà chúng tôi đã từng nghe được.

Hành trình đi thăm em xem ra cũng khá dài, hơn 700 cây số bận đi và bận về thêm ngần ấy làm chúng tôi mệt đừ. Nhưng nghe tiếng em reo mừng và dặn dò liên tu bất tận…. chị nhớ nha, sát biên giới Hòa Lan có một cái làng nhỏ …xíu…. cứ vào đó tìm em ai cũng biết chúng em cả. ...chị nhớ nha …nhớ nha… làm cơn mệt  của chúng tôi cũng có phần vơi đi.

Đúng là nơi đây, quả là một cái làng nho nhỏ. Nhà cửa mới mẻ xem ra mới xây cất lên.

Đứng trước cửa nhà, chưa kịp nhấn chuông thì cửa mở.

 

Em đó! Cạnh là anh chàng Ralf ốm khẳng khiu. Hai đứa bé gái pha trộn hai giòng máu Đức Việt xinh xắn lắm nhưng cũng xanh và ốm nhom như cha nó. Chỉ nổi bật lên đôi mắt to tròn và sáng long lanh như cha thật là đẹp.

Em ôm chầm lấy tôi, tiếng khóc lại nấc lên… đêm nay em xin được ở bên cạnh tôi, em muốn kể thật nhiều nữa những gian truân mà em đã gặp.

Càng nghe, tôi lại càng xót xa. Nước mắt em và tôi cùng chảy ướt không biết bao những chiếc khăn tay….mà chuyện vẫn còn tiếp diễn.

Sang đây sau ngày cưới. Chúng em về trọ nơi nhà của anh ruột của em, (gã này chúng tôi có biết qua). Hàng tháng trừ tiền trọ tiền lương của Ralf xem ra cũng không còn, ngoại trừ chút ít tiền ăn và đổ xăng cho Ralf đi làm. Em thật là hụt hẫng nhưng mới qua chữ nghĩa không rành vã lại mình cái gì cũng còn mới mẻ quá em không dám hỏi han.

Rồi em có thai, ba bốn tháng dài thai nhi hành hạ. Em thèm ngọt, thèm chua. Cái gì cũng thèm..thèm có chút gì cho vào cơ thể. Nhưng chị ơi! Chúng em không có một đồng xu nào cả. Chị có biết không? Mỗi ngày chúng em luộc hai cái trứng dằm trong nước mắm thật mặn và ăn với cơm.

Tôi nhìn em sững sờ, không tin vào tai mình những gì em đang kể:

Hai đứa em ăn như vậy thật sao?

Em trả lời trong nước mắt:

Dạ, chúng em ăn như vậy thật đó chị và thời gian có đến 4 tháng dài. May sao một ngày bà mẹ nuôi của Ralf ghé thăm. Bà nhìn em, nhìn Ralf rồi kéo anh ấy ra ngoài lâu lắm. Cho đến khi trở lại bà ra lệnh thu xếp quần áo, đồ dùng tùy thân của chúng em và rời nơi này ngay lập tức.

Chị có biết tại vì sao hay không?

Tôi lắc nhè nhẹ đầu với bao nhiêu là câu hỏi đang vờn chung quanh.

Thì ra anh của em, người anh mà em từng quý mến đã lợi dụng Ralf, với bản tính thật thà, hiền lương đến như khờ khạo để môi giới cho em với điều kiện khi Ralf bằng lòng thì hàng tháng phải trả cho anh của em một số tiền  công lớn lao …vô thời hạn!

Chị xem này, một phần tư tiền phòng chúng em mướn lại, hai phần tư tiền công môi giới còn lại một phần tư cho ăn uống và xăng dầu …. Thì còn ở đâu mà chi phí những nhu cầu cần thiết khác?

Tiếng khóc nỉ non của em theo nhịp buồn của câu chuyện thương tâm. Nhìn em lòng tôi chua xót vô vàn. Có còn kẻ nào tàn nhẫn hơn người anh ruột kia nữa không? Có lẻ là không còn ai.

 

Ngay hôm đó, chúng em rời nhà của anh của em. Vỏn vẹn có hai túi xách nhỏ và cái bụng gần ngày sinh nở. Bà mẹ nuôi tốt bụng kia đã thu xếp cho chúng em ở tạm nơi bà và hối hả đi tìm một nơi khả dĩ ở được chờ ngày em sinh cháu. Phần bà đi xin quần áo, xe đẫy lẫn mọi thứ cần dùng cho chúng em.

Em chỉ căn nhà, chung quanh vẫn còn loang lổ. Nhiều chổ còn nền, tường xi măng đen xì và cười nhẹ như trong mơ:

Cũng nhờ bà mẹ nuôi lắm chị ạ, khi em vừa sanh xong thì nơi này cũng vừa cất lên nhiều căn nhà để dãn dân ra ngoại ô. Chúng em không có một xu nào thì đời nào mơ mình sẽ…đi mua nhà! Bà mẹ nuôi của Ralf nghe tin đã đi tới đi lui hỏi han. Có hai loại nhà bán: một là xây xong hoàn hảo, hai là chỉ có nền nhà cộng trần nhà và bốn bức tường…sau đó mình tự làm tất cả nhờ đó giá nhà rất thấp, kèm vào thành phố cho mượn một phần tiền không lấy lời để giúp cho những người ..mạt rệp như chúng em ( em cười). Sau đó tụi em đi sang tên… chị biết không? Ông Luật sư thấy hai đứa em nghèo quá… nên cũng ừ cho trả góp với số nợ hàng tháng thật là ít ỏi.

Em đưa hai bàn tay sần sùi, chai lì cho tôi cầm lấy và lại nở thêm nụ cười ( lần này tôi thấy nụ cười đã nhẹ đi nhiều đau khổ ) như muốn xóa hết đau thương mà lâu nay em đã thật nhiều hứng chịu.

Bây giờ em giỏi lắm chị ơi! Từ thợ nề, thợ hồ hay thợ mộc thợ hàn gì hể chỗ nào cần là em…biến thành thợ đó. Sau mấy năm dài, dần dần các cửa chính đã được lấp vào, các phòng ốc đã tàm tạm dựng xong phòng ăn, phòng ngủ, phòng các cháu…. Đồ đạc bày biện là do sơ Susanne và bà mẹ nuôi của Ralf đi xin, chị xem cái gì cũng còn tốt và tiện dụng cả.

Em say sưa kể cho tôi nghe những ngày khuân xi măng, gạch cát. Đầu cột khăn lau mồ hôi, tay chân lem luốc như kẻ lang bạt kỳ hồ. Với niềm ước mơ có một mái ấm gia đình, hai đứa bé gái xinh xắn mang hai giòng máu và niềm tin sẽ tìm gặp lại anh chị giúp em quên đi thật nhiều đau thương mà em hứng chịu lâu nay.

Chợt nhớ ra điều gì, em bật dậy và chạy đến mở cánh tủ nhỏ ra.

Em còn quên một món quà nhỏ cho chị đây.

Nhanh nhẫu em mang trao cho tôi một gói nhỏ. Mảnh giấy báo in ở Việt Nam đã phai nhòa chuyển sang màu vàng úa, cả mấy vòng băng keo dán đã khô và loang lổ đến độ vừa cầm lên thì băng keo đã tự rơi xuống đất. Tôi chậm rãi mở ra xem món quà nhỏ như em vừa nói là món gì.

Không tin ở mắt mình, tôi ngẫng mặt nhìn em chờ một lời giải thích vì đó là một hộp nữ trang với hai chiếc nhẫn nhận hột xoàn. Món quà không ít giá trị như lúc ban đầu tôi đã nghĩ đến.

Em nhìn tôi, giọng nhỏ đi với một ít giải bày:

Ngày em rời Việt Nam, với một lòng quyết đi tìm anh chị. Trừ tiền mua vé máy bay và giữ một chút tùy thân em quyết định mua món quà này và nhất định sẽ trao cho chị khi gặp. Đây là món quà mà em cất giữ đã hơn 8 năm nay. Nhất định sẽ có ngày em gặp anh chị và trao tận tay cho chị.

Tôi nhìn em:

Vậy lúc hai em sống trong nghèo nàn túng quẫn, chút tài sản này sao em không mang bán đi, dù sao cũng giúp em phần nào khó khăn lúc đó?

 

Em cười, nụ cười thật tươi mà từ khi gặp em đến giờ tôi chưa hề được nhìn thấy:

Chị ạ! Em có hứa với chính mình, em cũng thề cùng trời đất dù có hoạn nạn cơ cực đến đâu, dù bất cứ lý do gì xảy ra em cũng giữ món quà này tới khi trao tặng chị. Đây là quà của em dành cho chị mà.

Vuốt tóc em nhè nhẹ, tôi biết chắc chắn một điều món quà em nâng niu kia là muốn mang tặng cho nhà tôi vì chính anh ấy mới là ân nhân, là người đứng ra chăm nom săn sóc bênh vực cho em hay đỡ đần lúc còn bên nhà. Em đã xử sự thật là tế nhị và muốn đền ơn cho nhà tôi nhưng lại trao cho tôi như người nhận giúp.

Cầm món quà trên tay lòng tôi thật là rưng rưng. Em cầm tay tôi xoa nhè nhẹ chỉ chi chít những cây con đang ươn bên bệ cửa sổ và thì thầm:

Gia đình em về đây, mỗi tháng đã nhìn thấy tiền lương của Ralf mang về. Trả tiền nợ nhà và sống tằn tiện nhưng hạnh phúc và an vui. Mẹ con em dành nhiều thời gian ươn cây cảnh, chờ nẫy mầm thì mang ra vườn với niềm ước mơ những nhánh cây cây con sẽ cho gia đình chúng em nhiều hạnh phúc. Bây giờ thực sự em đã mãn nguyện, những ngày tháng còn lại của em ở đây đã có chỗ dựa lưng. Anh chị không cần cho em cái gì nữa hết, chỉ mối chân tình này là đã quá sức là đủ. Từ nay đến cuối đời em không còn mơ ước gì hơn.

Trên đường trở về, cầm hộp nữ trang em tặng. Tôi nhủ thầm trong lòng sẽ có lúc mang trao lại cho em. Không trao cho em mà là hai cô gái xinh xắn kia sẽ có dịp nhận quà do tôi trao tặng.

Em đã ươn nhiều mầm cây và hoa lá.  Một vườn hoa thật đẹp từ nay sẽ có chimvành khuyên, họa mi, sơn ca ríu rít hót mỗi sớm mai. Hương thơm và nắng đẹp sẽ xóa hết những đám mây mù đen đủi, mang đi hết đau thương và tủi hận cùng bóng tối buồn thảm lâu nay.

Đứa em gái những tưởng đã quên đi vào quên lãng nay đã gặp lại, thấy em tìm được niềm vui và nụ cười chúng tôi dường như  cũng thấy mình nhẹ nhỏm.

Mấy dòng mới nhất vừa nhận được từ Email em viết:

Anh chị ơi! Em đã tìm được một việc làm nho nhỏ gần nhà, lương không mấy nhiều nhưng cũng phụ được phần nào cho chồng em và hai cháu. Hai cháu gái học giỏi lắm, rất ngoan lúc nào cũng nhắc nhở : Bao giờ hai bác lại lên thăm hở mẹ?

 
 

Viết cho em Tuyết Mai
Minh Trang



Những ngày tháng 6 năm nào….
Munich, Germany
tháng 6 - 2009