Truyện Ngắn
Paul Maier…
09.2010
Tiếng điện thoại reo vang, tôi chạy đến cầm lên ….nghe…rồi thẩn thờ bỏ chiếc điện thoại xuống cạnh bàn.
Giọng nói của Haras Maier, con trai thứ hai của Paul Maier ở đầu giây vẫn cứ vang vọng đâu đây:
Minh! Ba tôi đã qua đời ngày hôm qua ở bệnh viện, gia đình rất đau buồn báo tin cho Minh và cả nhà được biết…..
Có lẻ Haras nói nhiều hơn nữa nhưng tôi không còn tâm trí nào để nghe. Chỉ ba tiếng Paul qua đời đã làm cho tai tôi ù lên và đau xót vô cùng.
Một chuỗi kỷ niệm hiện ra trước mắt tôi cứ như ngày hôm qua….
Tháng 12 năm 1978.
Gia đình chúng tôi lúc đó gồm bốn người cùng một nhóm 80 người Việt tỵ nạn khác được định cư và đưa về đây. Cũng nói thêm đây là nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên vào đến Tiểu Bang Bayern này. Ngôi làng nhỏ đón chúng tôi có tên là làng Engelsberg tạm dịch là làng Thiên Thần chỉ vỏn vẹn có bảy trăm dân.
Tuần đầu tiên đến, khi chúng tôi đang tập làm quen với nơi ăn chốn ngủ mới mẻ này một nơi xa lạ cách tới hai ngày bay thì bọn trẻ đã thật nhanh thích nghi và hòa hợp với đám trẻ bản xứ. Chúng dùng ngôn ngữ gì không cần biết cứ thấy cả bọn líu lo và cười với nhau thật hồn nhiên, cứ sau giờ học hay cuối tuần là bọn trẻ lại túm tụm bên nhau ra nói năng rôm rả, vui nhộn lẫn thích thú.
Thời gian qua thật nhanh, chúng tôi đã quen ít nhiều với cuộc sống mới này. Thành phố chưa sắp xếp xong cho chương trình học tiếng Đức, chúng tôi bập bẹ với một số từ ngữ thông dụng hàng ngày để đi chợ hay làm quen với người chung quanh.
Một chiều thứ bảy, từ ngoài sân trở vào nhà. Một người bản xứ cao, gầy với khuôn mặt thật phúc hậu. Ông dừng chân nhìn chúng tôi và hỏi:
You speak Englisch?
A little.
Tôi trả lời thật nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe, nhưng ông ta hiểu ngay khi nhìn thấy tôi gật đầu. Ông bảo mấy tuần nay xem báo và biết có một nhóm người tỵ nạn đến cư ngụ nơi đây, cảm thông cho hoàn cảnh xa quê hương và một cuộc sống đầy mới mẻ nơi xứ người cho nên ông ta đến và muốn tìm kiếm, làm quen cũng như đỡ đầu cho một gia đình…..may mắn ông đã gặp được tôi đây.
Từ đó, vào mỗi cuối tuần Paul Maier tên của ông và chúng tôi luôn gọi ông là Bôn như tiếng Việt. Bôn đã đến và mang chúng tôi về nhà của ông bà giới thiệu Gerda Maier vợ ông cho chúng tôi làm quen.
Gerda Maier là một người đàn bà mẫu mực hiền thục đảm đang giống như một người đàn bà VN.
Bà vui vẻ chào đón chúng tôi, cho chúng tôi những bữa ăn ngon lành chính gốc của người dân ở đây. Với cái bếp hoàn toàn mới mẻ, sự chỉ dạy chân tình tôi đã học thật nhiều món ăn và cách làm bánh trái theo công thức tây phương. Phần Bôn thì xem như hết lòng giúp chúng tôi trong những việc khởi đầu cho sự hội nhập nơi đây.
Thời khóa biểu Bôn đưa ra là mỗi thứ tư sau khi đi làm về ông sẽ đi chợ giúp chúng tôi, nào là mua gạo, khoai, xương hầm hay những thứ cần thiết cho gia đình chúng tôi dùng đủ một tuần. Chỉ sau hai tuần đi chợ, ông vui vẻ báo tin từ nay chỉ cần mua gạo khoai…vv…vv còn xương hầm thì chủ tiệm thịt hứa tặng cứ một tuần một bao to cho tới khi nào chúng tôi nhận tiền trợ cấp sinh hoạt phí và đi học thì thôi.
Phần ăn uống tạm xong, Bôn dành thời gian sau đó mỗi tuần hai giờ dạy chúng tôi học tiếng Đức. Nhờ Bôn dạy, một phần học thêm ở lớp nên sau một năm chúng tôi đã có phần tiến triễn. Những khó khăn buổi ban đầu đã vơi đi khá nhiều. Các cháu đứa đi học, đứa vào nhà trẻ, nhà tôi đã đi làm còn tôi vẫn phải ở nhà chăm lo các cháu cơm nước hàng ngày.
Sau một năm và sáu tháng dài, chúng tôi chính thức rời nơi tạm trú và dọn về nơi ở mới. Cũng kể thêm là nơi làm việc cũng do Bôn vận động và đi tìm với lời bảo đảm là người chủ sẽ thật hài lòng với một nhân viên VN cần mẩn siêng năng.
Từ đó, Bôn và Gerda hàng tháng đều lên thăm gia đình chúng tôi. Giờ thì đi xa hơn đi về có gần hai trăm cây số.
Mỗi lần lên thăm ông bà mang đầy xe nào là quần áo, bánh trái, rau đậu, thấy nhà còn thiếu thốn món gì thì bà lại về để khi đi nhà thờ bà lại dán lên tường nơi thông báo của nhà thờ ai có dư không dùng thì xin tặng cho chúng tôi một gia đình tỵ nạn VN.
Rồi những năm tháng dài trôi qua, cuộc sống của gia đình chúng tôi đã dần ổn định. Tôi cũng đã có một việc làm và cùng nhau chăm sóc cho ba miệng ăn, giờ có thêm cô út nữa và cả ba ăn như tằm ăn lên.
Các cháu đã vào Đại Học,
Chi phí càng lúc càng nhiều hơn, nhà tôi đã dùng thời gian cuối tuần để vẻ thêm ít tranh ảnh mà khi xưa anh vẫn xem đó là nghề tay trái của mình. Chính Bôn đã khuyến khích anh vẻ và mang số tranh này về treo nơi Bôn làm việc. Mỗi khi các đồng nghiệp hay đại diện hãng xưởng ghé đến trao đổi công việc ông đều kêu gọi mua tranh giúp đỡ cho một gia đình tỵ nạn VN.
Ba mươi năm trôi qua.
Mối giao tình của hai gia đình Đức Việt càng lúc càng gắn bó, cả bà con hai bên gia đình Bôn hay Gerda đều được ông giới thiệu cho chúng tôi làm quen. Bôn luôn nói là chúng tôi là hai đứa em của ông và bọn trẻ là các con do ông bà đỡ đầu.
Một lần nhà tôi bị bệnh phải nằm nhà thương khá lâu, ông bà lên thăm thường xuyên và luôn trấn an …..không có gì lo lắng nhà tôi sẽ mạnh khỏe quay về còn có ra sao ông bà sẽ mang các cháu về nuôi nấng.
Năm ông về hưu, ngày sinh nhật ông tươi cười và hứa từ nay mình sẽ gặp nhau thường xuyên hơn xưa, đi du lịch nhiều hơn và thời gian cho cả hai ông bà sẽ thật nhiều.
Dự tính chưa thành, thời gian nghỉ hưu chưa lâu thì ông ngã bệnh. Căn bệnh ngặt nghèo ung thư xương. Căn bệnh phát nhanh đến không ngờ với những còi xương non nhú lên trên lưng trên vai mặc dù bác sĩ đã tận tình chữa trị nhưng hai chữ ung thư đã làm mọi người không còn niềm tin. Bôn ốm dần đến không còn đi lại được nữa, mỗi lần xuống thăm nhìn ông chúng tôi không cầm được nước mắt. Ông hay kể là khi còn trẻ gia đình cũng rất nghèo nên niềm cảm thông với chúng tôi giai đoạn mới sang rất là tương lân. Nhìn chúng tôi cố gắng trong sự hòa nhập, đám nhỏ vượt qua bao nhiêu là khó khăn để có được sự thành công như ngày hôm nay ông thật vui và hảnh diện khi giúp đở một gia đình như thế này. Tiếc là ông không còn sống bao lâu nữa để nhìn bọn chúng thành lập gia thất và vui sống bên Gerda ….
Những ngày tháng sau đó bệnh ông càng lúc càng trầm trọng thêm, tay chân hoàn toàn tê liệt, phổi nám đen nhìn ông héo hắt từng ngày nhìn bà bươn chải tới lui lòng chúng tôi quá đổi bồi hồi.
Ngày cuối trong bệnh viện, Gerda đang ngồi bên ông thật lâu thổn thức không rời. Bất chợt ông quay sang bảo bà: Nắng thật đẹp, hãy ra ngoài sân cho thư giản, hãy đi một vòng xem cây cỏ hoa lá vươn mình và mình hãy mang vào đây ít nắng ấm chia xẻ cho anh.
Và…..khi bà trở lại thì ông đã vĩnh viễn ra đi, ông đã đi sang một vùng trời an lành khác.
Ngày đưa tang, cứ tưởng Gerda sẽ không chống chọi nổi cơn đau đớn này ba đứa nhỏ đã đi quanh bà xem chừng và chăm sóc…nhưng phép lạ nào đã xảy ra nhìn bà cứng cỏi mạnh mẻ như thân cây tòng bá giọng nói vững vàng đầy nghị lực sau đó khi về lại nhà bà tâm sự là bà đã hứa với ông sẽ làm như ông mong muốn …..
Chúng tôi đi quanh chiếc quan tài phủ đầy hoa hồng vàng và trắng, hai màu hoa lúc sinh tiền ông hằng ưa thích, tôi thì thầm như chỉ muốn cho mình ông nghe….Bôn hôm nay đã thật sự bỏ đi, bỏ gia đình bỏ chúng tôi nhưng mãi mãi Bôn là người anh quý mến của chúng tôi, là người cha đở đầu thân thương của bọn trẻ, nếu đúng như giáo lý của nhà Phật đã dạy kiếp sau trở lại làm kiếp người thì Bôn vẫn cứ là một hiền nhân suốt đời yêu thương ban phát hạnh phúc của mình cho mọi người, hãy phù hộ cho Gerda niềm tin và nghị lực, hãy đi đến một nơi đầy hoa thơm cỏ lạ làm một ngôi sao chiếu sáng mọi nơi……giờ thì hãy bay xa đi……
Bóng dáng những chiếc áo đậm màu, những bà con bạn bè thân quen dần dần mất hút sau bức tường cao rũ đầy lá xanh, chỉ còn chúng tôi và Gerda đi chầm chậm trên con đường về nhà. Nghe tiếng các cháu thì thào bên cạnh Gerda ….hãy mạnh mẻ lên nha, Bôn luôn bên cạnh chúng ta.
Đêm nay trăng thật sáng, vầng trăng tròn hiền hậu như ở quê nhà, một vài vì sao lấp lánh kề bên…một trong những vì sao đó chắc chắn là Bôn đó.
Kỷ niệm nhiều năm dài Paul Maier đã ra đi.