Tiểu Luận
Năm Tân Sửu - Đôi Chuyện Về Con Trâu!
25.02.2021
Chỉ là…sao chép!, mời đọc cho vui trong thời gian chờ…“đại dịch Cô Vi 19“ đi qua…
Tranh Đông Hồ vẽ về Trâu.
Người dân vùng Đông Nam Á: Trung Hoa - Đại Hàn - Nhật Bản - Việt Nam - Cao Miên - Thái Lan đều biết: Năm Sửu, con Trâu, đứng thứ hai, sau năm Tý, con Chuột, trong chu kỳ 12 con Giáp! Có lẻ không ai hiểu rõ tại sao 12 con Vật này được chọn tiêu biểu cho mỗi năm mà khi chúng ta được sinh ra “phải dính liền với Nó“, trong khi nhiều con khác cũng đẹp đẽ oai hùng không kém, “lại không được chọn?“
Một trong vài đặc điểm của Trâu là hàm trên không răng và thuộc loài nhai lại!
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đồng bằng, uống nước bờ ao….
Theo truyền thuyết, đại ý là do Trâu lừa được Hổ, khoái quá há to miệng cười ngặt nghẽo, răng bị va vào đá, gãy trụi hết hàm trên!
HÌNH ẢNH CON TRÂU GẮN LIỀN TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN:
Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước của dân ta….hình ảnh con trâu siêng năng, hiền lành gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt và là một biểu tượng không chính thức của VN, cũng như trong kho tàng văn học dân gian, Nó hầu như luôn có mặt qua nhiều thể loại: thần thoại, cổ tích, ca dao, hò vè, câu đố….(chinhnghia.com) (baotuyenquang.com.vn)
Chúng ta cũng đã từng nghe qua:
- Thằng Bờm có cái quạt mo ?
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu…
-Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ới ời….
-Làm ruộng phải có trâu
Làm dâu phải có chồng…
- Một trâu anh sắm đôi cày
Một anh hai vợ có ngày oan gia
Tan đàn xảy nghé không xa..
Mỉa mai, châm biếm một chút thì:
-Thật thà như thể lái trâu
Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng…
-Trâu buộc ghét trâu ăn
-Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết
-Đàn gảy tai trâu..
-Mã tầm Mã, Ngưu tầm Ngưu…
Ởm ờ…lơi lả:
-Của chua ai thấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
-Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!
Con Trâu với nghề Nông:
-Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
-Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày vởi ta
Cái cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công…
Ngay cả khi…thất tình thất vọng cũng mang Trâu ra “phân bua!“
-Công anh chăn “nghé“ đã lâu
Bây giờ “nghé“ đã thành trâu ai cày?
Một vài Tỉnh miền Bắc còn có tục Chọi Trâu, điển hình là ở Đồ Sơn và Hải Lựu.
Lễ hội Chọi Trâu ở Đồ Sơn / Hải Phòng được tổ chức hàng năm vào ngày Chín tháng Tám Âl., ngày này là trận Chung Kết giữa những con Trâu đã qua vòng loại trước đó, ngày Tám tháng Sáu.
Dù ai buôn bán ở đâu
Mùng Chín tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mùng Chín tháng Tám nhớ về chọi trâu
Lễ hội Chọi Trâu ở xã Hải Lựu / Vĩnh Phúc tổ chức hàng năm vào ngày 16 – 17 tháng Giêng Âl.
Theo ghi chú, sau khi bị nhà Hán đánh chiếm nước Nam Việt / nhà Triệu, thế kỷ 2 trước TC, Thừa Tướng Lữ Gia lui về ở Hải Lưu – Sông Lô / Vĩnh Phúc …và qua đời. Dân làng thờ Ngài là Thành Hoàng làng và lễ Chọi Trâu bắt đầu từ đó!
Dù ai đi đâu ở đâu
Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu
TRONG TRIẾT LÝ - TÔN GIÁO:
“Tính theo âm dương, 12 con giáp được chia thành hai cực âm và dương, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm, Sửu trong địa chi (thập nhị chi) được kết hợp với: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý nên chỉ có những năm Sửu là: Ất Sửu, Đinh Sửu, Kỷ Sửu, Tân Sửu và Quý Sửu mà không có những năm Sửu khác. Sửu dùng để chỉ thời gian từ một giờ tới ba giờ sáng (đêm năm canh ngày sáu khắc). Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thuỷ, thuộc về mùa Đông. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng và thường được ví với những người có trí tuệ trác việt[7].
Ở văn hóa phương Đông, một trong những tôn giáo lớn là đạo Phật có nhiều câu chuyện về trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn tâm mình, tự chăn tâm ngã như là thuần phục một con trâu. Biểu hiện cụ thể là bộ tranh chăn trâu gồm 10 bức với 2 dòng trâu tiệm hóa minh họa cho con đường giác ngộ của Phật giáo Tiểu Thừa và trâu toàn đen dẫn bày các yếu chỉ thiền cho người học theo tư tưởng Phật giáo Đại Thừa. Tranh Chăn Trâu Đại Thừa (Munual of Zen buddhism) của tác giả Daisetz Teitaro Suzuki minh hoạ và mười bức tranh chăn trâu vẽ con trâu và những chú mục đồng gọi là “Thập mục ngưu đồ” là mười bức họa chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông nói lên việc chăn trâu cho sự điều tâm, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống. Trong đạo Phật, con Trâu mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tư tại trong thế giới của Phật[10].
Trong các tôn giáo phương Đông, trâu thường được sử dụng như một ẩn dụ cho quá trình tu tập, vượt qua khó khăn để đạt đạo. Nó là vật cưỡi của Lão Tử, sau khi truyền đạo xong, ông cưỡi trâu đi về hướng Tây và biến mất. Đạo Phật cũng có nhiều sự tích liên quan đến trâu. Người ta cho rằng, trong thời gian 49 ngày thiền định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông đã được thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa trâu và nhờ đó sức khỏe được hồi phục nhanh chóng. Phật giáo Thiền tông có bộ tranh kệ nổi tiếng là Thập mục ngưu đồ (Mười bức tranh chăn trâu), tương ứng với 10 bước tu đạo: Tìm trâu, Thấy dấu, Thấy trâu, Bắt trâu, Chăn trâu, Cưỡi trâu về nhà, Quên trâu còn người, Người và trâu đều quên, Trở về nguồn cội, Thõng tay vào chợ. Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung thì coi con trâu đất chính là Phật, bậc cao nhân ấy đã tìm thấy ở con trâu những đặc trưng phù hợp với đạo lý sâu xa của mình[11].
( vi.wikipedia.org/ Trong văn hóa Á châu )”
Gần Hồ Tây, Hà Nội, có đền thờ Kim Ngưu. Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, ở núi Tiên Du có con tinh Trâu Vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà Sư lấy tích trượng yểm trên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất sụp thành hồ….chạy qua nhiều nơi, đến sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ, thì không thấy nữa…Sau này người dân xây đền bên Hồ Tây để thờ Kim Ngưu.
Ở An Giang, núi Cấm, xã An Hảo có miếu Trâu nghĩa dũng. Tương truyền, đại ý là trâu đã cứu một bé chăn trâu bị cọp vồ. Sau khi đuổi được cọp, trâu dùng sừng mang đứa bé bất tỉnh đầy máu me về làng. Dân làng cho là trâu điên húc bé nên giết chết. Khi bé tỉnh lại và kể mọi chuyện thì mới biết trâu bị giết oan. Mọi người hối hận, thương tiếc lập miếu thờ…..
TRONG VĂN HỌC:
Cụ Phan Châu Trinh cũng có làm nhiều bài thơ về trâu:“ Mất trâu mới lo sửa chuồng. Trâu cột ghét trâu ăn…“
Bài thơ sau đây, Trâu già than thân
Thấy tau ốm yếu dễ trâu già
Trẻ nhỏ như bây chữa biết ta
Đàn tục gảy tai còn thuở nghé
Ách đời mang cổ tự thời cha
Nhiều người hốt cứt mua lên ruộng
Lắm kẻ theo đuôi tạo nổi nhà
Tuổi tác ngày chiều cơm có ít
Đền ơn chẳng tính, tính căng da.
Có 3 tác phẩm văn học thường được nhắc đến:
- Con Trâu - tác giả Trần Tiêu, Tự Lực Văn Đoàn, phát hành năm 1938. Ông là em nhà văn Khái Hưng.
Con Trâu của Trần Tiêu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam lấy tiêu đề và có nhân vật trâu.
Bộ truyện này trước đó đã được in trên báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn năm 1938.
Nhà văn Kim Lân, tác giả nhiều tập truyện xuất sắc về làng quê Bắc bộ đánh giá về Con trâu: “ Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người.“ …….
- Con Trâu – tác giả Nguyễn Văn Bổng, phát hành năm 1952. Ông người ở Đại Lộc / Quảng Nam
- Theo lời tác giả, ông viết Con Trâu trong thời gian kháng chiến chống Pháp.
- Mùa Len Trâu – tác giả Sơn Nam, phát hành năm 1963. Ông tên Phạm Minh Tày, người Rạch Giá.
Mùa Len Trâu là một truyện ngắn trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dựng thành phim, khởi quay tháng 9/ 2003.
TRONG TÂY DU KÝ:
Đây là một trong các truyện “vượt thời gian“, được xếp vào hàng ưa chuộng nhất thế giới!
Nhân vật Tề Thiên Đại Thánh - Tôn Ngộ Không, “vai chánh trong truyện“, mà ai cũng biết khi đọc qua và chắc là cũng không quên Ngưu Ma Vương, một “ma đầu“ đã làm Tôn Ngộ Không điên đảo không ít vì phải cần đến chiếc quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, Ngưu phu nhân, quạt tắc núi lửa mới qua được địa phận họ Ngưu trên đường cùng Thầy đi thỉnh kinh! Cuối cùng thì Tôn Ngộ Không nhờ được chỉ điểm, đã đến cầu cứu Thái Thượng Lão Quân ( tức Lão Tử sau khi để lại Đạo Đức Kinh đã cưỡi trâu đi….!), lãnh đạo Tiên giới, nhờ giúp. Ngưu Ma Vương chính là con trâu của Ngài, do vì đồng tử chăn coi lơ là đã trốn xuống trần gian …làm loạn. Khi gặp lại đồng tử thì Ngưu Ma Vương hiện nguyên hình…trâu, bị xỏ mũi mang trở về!
Tạm kết thúc chuyện Trâu và xin mời đọc lại bài Năm Sửu chuyện Trâu của thi sĩ HĐ Tuấn Việt, bài được đăng trong Đặc San HĐVN – Xuân Kỷ Sửu 2009, trang 102:
Mệnh trời, bạn thiết với nông dân
Canh tác, tăng gia…cố góp phần
Đầu lớn, sừng cong, như thách đố
Da dầy, thân nặng, vẻ chuyên cần
Kéo cầy mãn kiếp nuôi thiên hạ
Gặm cỏ qua ngày độ tấm thân
Thịt nát, xương tan còn để tiếng (1)
Tù và, trống trận thúc ba quân (2)
(1)Dùng da trâu để bưng mặt trống
(2) Sừng trâu làm tù và, thổi tiếng vang đi rất xa.