Truyện Ngắn
Mái Trường Xưa
2009
Thành phố Đàlạt,
Có dịp nào bạn đi qua, ghé đến con đường Hai Bà rưng…. và từ đầu đường đi mãi đến gần cuối con đường dài này, bạn hãy nhìn lên bên tay trái… một ngọn đồi thật thấp… một hàng bậc cấp thật cao. Hai hàng cây khuynh diệp trồng đều đặn thật thẳng bao quanh dãy nhà gạch trắng màu vôi xinh xinh nhỏ nhắn.
Chiếc bảng kẻ với hàng chữ thật rõ ràng mà ai đi ngang qua cũng nhìn thấy ngay:
Trường Tiểu Học Đa Nghĩa.
Đó! Đó là ngôi trường tôi đã được đi học thuở bé thơ.
Ngay ngày đầu tiên vào lớp tôi đã thấy yêu mến và gần gũi vô ngần. Mặc dù đoạn đường từ nhà đi bộ đến trường non già hơn một tiếng.
Không phải là quá xa đâu… nhưng vì là bọn chúng tôi la cà tới lui từ đám dâu xanh ngát rồi dừng lại bên đám cà rốt tươi non, đến cả hàng dãy dài cây Artichaud cũng bị bọn tôi chiếu cố, phá phách ngắt bẻ vài cành rồi mới chịu yên. Lắm khi thấy trễ giờ cả đám mới hối hả… chạy cho kịp tiếng kẻng báo học trò chuẩn bị vào lớp.
Lớp năm, thời đó không là lớp một mà là năm,tư, ba rồi nhì, nhất. Tôi cùng đám bạn học hầu hết đều gần gũi với thầy Hồ Sĩ Đính. Thầy người Huế, nhà bên đường Phan Đình Phùng. Muốn ghé qua nhà thầy chỉ cần đi tắt ngang đám ruộng là tới. Thỉnh thoảng có dịp làm văn nghệ cho trường là bọn tôi (cả nhóm được nổi tiếng hát hay, múa giỏi) được ghé nhà thầy ăn cơm. Cô Đính nấu ăn rất ngon. Đám học trò nhỏ nhắn ngồi quanh bên thầy, cạnh mâm cơm canh húp sùm sụp, lâu lâu còn được thưởng thức món cá kho tuyệt cú mèo tự tay cô kho đãi bọn tôi.
Chường Tiểu Học Đa Nghĩa
Lên đến lớp ba, chúng tôi được thầy Lê Hữu Tín dạy dỗ.
Thầy Tín rất năng động, thích văn nghệ thể thao. Thầy dạy chúng tôi mỗi sáng đi diễn hành một hình thức luyện tập thể thao, dạy chúng tôi múa hát. Thầy tập cho chúng tôi những bài hát hào hùng thời dựng nước năm xưa như Thăng Long Hành Khúc hay Đinh Bộ Lĩnh …vv..vv.. Thời đó, các trường còn có dịp giới thiệu về ngôi trường của mình và chương trình được phát thanh trên đài phát thanh Đàlạt. Tôi chưa quên bài hát lần đầu tiên được hát trên đài là bài Em Bé Tí Teo:
Ngày nào năm xưa em còn bé tí teo
Nằm gần bên me, em bé như con mèo
Ngày nào năm xưa em còn khóc í eo
Đòi mẹ mua bánh, bánh đâu em bé nhè……
Tuổi thơ hồn nhiên không hề nghĩ ngợi xa xăm hay những mơ ước với quá tầm tay. Chúng tôi vui đùa bên những người bạn hiền, ngày ngày cắp sách đến trường học hành bên nhau.
Tôi chưa hề quên, tôi là con gái nhưng bản tính như con trai. Lắm lúc tôi cũng quên phắt đi mình là nữ nhi … tóc dài ăn ô mai cam thảo! Tôi chỉ thích chơi giựt khăn, đánh nhau cướp tù, chạy đua…. môn nào bọn con trai cũng lắc đầu chịu thua. Nữ nhi như tôi…. gà mái đá gà cồ… chưa kể tới màn làm toán đua, năm năm dài đi học tôi chưa hề … thua một lần với bọn nam nhi chi chí đó.
Thêm vào đó khi bắt đầu vào lớp ba, tôi hát với giọng hát tàm tạm nghe được nên thầy Tín luôn luôn cưng chiều, văn nghệ nào cũng tập tành biểu diễn.
Tuổi thơ vẫn ngày ngày rong chơi ca hát, lâu lâu cũng có nghe vài tiếng súng đì đùng nhưng vẫn còn thật bé không để những quan tâm ấy vấn vương.
Thầy hiệu trưởng trường tôi là Bùi Văn Châu, thầy cũng thật hiền ai ai cũng mến yêu. Mỗi sáng thứ hai đứng chào cờ ở sân trường, thầy nhắc nhở chúng tôi hãy lo học tương lai ngày mai là sự học hôm nay. Đứa con trai của thầy là Bùi Việt Hùng học cùng chúng tôi vào năm lớp nhì. Tất cả cùng nhau ganh đua học hành không hề có chuyện con thầy ưu tiên hơn học trò khác.
Tháng nắng ngày mưa vẫn vùn vụt trôi qua.
Nhớ một lần vào năm cuối lớp ba, phần thưởng dành cho tôi là gói quà thưởng to, nặng đầy ắp sách vở bút viết. Tôi vẫn đi đến trường hay về nhà với người bạn cùng lớp là Lê Thị Huệ. Nhà Huệ đông anh em lắm, cha mẹ vất vả cơm áo từng ngày, cái khó áo cơm còn lo chưa xuể lấy đâu lo cho anh em chăm học chăm bài. Huệ đi bên tôi e dè hỏi nhỏ:
Trang có cho Huệ chút vở và bút viết được không? Huệ muốn ba má cũng vui khi Huệ mang về nhà một ít phần thưởng này.
Tôi nhanh nhẹn gật đầu, hai đứa ngồi bệt xuống con đường đất đỏ, tôi mở gói phần thưởng ra chia cho Huệ một phần. Tưởng tượng chiều nay với nét mặt vui mừng của Huệ, nụ cười của ba má Huệ lòng tôi vui vui làm sao.
Lớp nhì đi qua nhanh như làn gió, chỉ còn năm nay nữa là chúng tôi rời mái trường thân yêu này.
Lên lớp nhất tôi lại có thêm một thầy giáo mới.
Thầy cũng người Huế, tên Nguyễn Văn Minh. Mới vào lớp thầy tỏ ra ngay là người hào hoa, hát hay và luôn o bế mấy chị lớn trong lớp (lúc này lớp nhất có nhiều chị đã 15 hay 16, trổ mã đẹp và như thiếu nữ rồi).
Một ngày nọ thầy khoe là bạn thân của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh và đem vào lớp nhiều bản nhạc mới mà Duy Khánh mới vừa sáng tác cũng như phát hành, tôi lại được chỉ định đứng lên hát một bài…. sau đó thì hát liên miên trong giờ ra chơi hay cuối giờ tan học. Tại như vậy mà bản nhạc Ai Ra Xứ Huế làm tôi thuộc lòng lúc nào không biết.
Cuối năm lớp nhất, bạn bè ngậm ngùi chia tay. Người thi đậu vào đệ thất thì vào trường công như Trần Hưng Đạo hay Bùi Thị Xuân. Lớp còn lại thì vào trường tư hay nghỉ học lo sinh kế.
Lớn lên chút ít đã có vài suy tư, ý thức được quê hương trong thời binh lửa. Làm trai thì vài ba năm nữa sẽ thu xếp theo nghiệp đao cung. Nào những Huỳnh Kim Sơn, Lê Hữu Dư, Hồ Sĩ Kỳ….. người bạn nào cũng có nét bùi ngùi.
Ngày mai ra sao?
Tuổi thơ hình như không ai hay biết và cũng chẳng một ai ghi vào Lưu Bút câu hỏi trên đây.
Ngày cuối niên học, tôi đứng lần cuối bên sân cờ nức nở hát bản Biệt Kinh Kỳ theo lời thầy Tín và đám bạn thân yêu cầu.
Nhìn xa xa, hàng cây khuynh diệp vẫn thản nhiên ru mình trong gió. Quán bà Cai với bánh trái, cóc, ổi, ô mai xin từ giã từ đây. Mỗi buổi sáng không còn mang giúp cho bạn Ngọc Dzìn giỏ khoai lang hay sắn luộc sẵn, bạn mang lên trường chờ lúc ra chơi sẽ bán cho học trò để phụ giúp cho cha mẹ phần nào.
Hết rồi từ đây, những Nguyễn Thị Lê với nụ cười duyên dáng, Nguyễn Thị Đào sáng tối bên nhau, Huỳnh Kim Cúc rồi Nguyễn Thị Bê và cả đám bạn học nam nhi đang chờ phục thù trong những giờ làm toán chạy.
Tuổi thơ cùng ngôi trường xa xưa hay chạy về bên tôi trong những phút giây nhớ về thời niên thiếu. Đúng lúc này tôi nhận được từ Đào người bạn thân xưa kia một tấm ảnh thật cũ, tấm ảnh chúng tôi làm văn nghệ ở rạp Hòa Bình.
Những gương mặt, những kỷ niệm vụt hiện ra…..
Ai còn? Ai mất?
Vẫn những lời giảng và giọng trầm trầm của quý thầy Đính, Tín như đâu đây..
Vẫn nét âu lo khi cây bút trên tay thầy dò dần dần đến tên những kẻ quên học thuộc bài…..
Vẫn tiếng cười dòn dã của đám bạn thân quen, hình ảnh ngồi bên nhau chia nhau miếng khoai mì hay lát bánh mì khô cứng…
Tóc đã hai màu?
Thời gian đã trôi qua nhanh như những vì sao đêm.
Quyển Lưu Bút đã thất lạc nơi nao?
Chỉ còn sót lại tấm ảnh này, bạn nào có dịp đọc đến đây xin hãy nhắn về nơi chốn cũ.
Chúng ta đã có một ngôi trường thời thơ ấu thật ấm êm.
Giờ chỉ còn thiếu vòng tay nối lại…..
Trường xưa
Mái trường xưa cũ đâu còn nữa
Ngọn gió, cơn mưa phủ mất rồi
Đâu thời thơ ấu, đâu gương cũ?
Bóng rũ tàn thu, đứng ngẫn ngơ.