Chuyện Bên Lề Trại Hướng Đạo
Lìa Rừng.........
12.06.2015
23giờ ngày 2 tháng 6 năm 2015.
Một điện thư được gửi đến từ Trưởng Trần Dương Dũng báo tin:
-“Buồn quá anh Phước ơi! Anh Hoàng đã qua đời.”
Quá bất ngờ và cũng không tin vào mắt mình khi đọc những dòng chữ trên, chúng tôi đã liên lạc thêm lần nữa với Trưởng Dũng và được chính Trưởng xác nhận:
-Trưởng Beo trầm-lặng Trần Huy Hoàng đã lìa rừng.
Anh Hoàng đứng thứ tư từ trái.
Một vùng trời đầy ắp kỷ niệm chợt hiện ra.
Xa…thì đã lâu có chừng hơn 30 năm.
Gần… thì cũng mau chỉ như mới ngày hôm qua.
1985
Trại họp bạn Thẳng Tiến 1, tuy cùng tham dự, anh thuộc Liên đoàn Lê Lợi và tôi, Liên đoàn Quang Trung, nhưng chỉ... biết mặt nhau mà thôi.
1986
Trại Chi Nhánh Đức được tổ chức và do Liên đoàn Lê Lợi đảm nhận đã mang anh chị em chúng tôi từ khắp nơi về đây, thành phố Schwäbisch Hall.
Thời gian này Chi Nhánh Đức không những lớn mạnh mà còn được góp tay với nhiều Liên đoàn như Sào Nam, Thất Sơn, Lê Lợi, Quang Trung, Hùng Vương, Hải Âu (sau đổi thành Vạn Hạnh), Cửu Long, Trần Quốc Tuấn.
Nói cho cùng, Chi Nhánh Đức phát triển khắp nơi.
Điều này cũng không có gì khó hiểu cả. Tất cả chúng tôi chân ướt chân ráo đều vừa đến định cư nơi này, chung chung tất cả còn rất trẻ, còn độc thân, mang nặng tấm lòng hướng về quê hương dân tộc, mang nhiều hoài bảo lớn lao ai cũng mong đóng góp chút ít công sức của mình cho phong trào và mơ ước phong trào sẽ mau chóng lớn mạnh.
Cũng từ nơi đất trại này chúng tôi được biết hai Trưởng Trần Huy Hoàng và Nguyễn Thị Mỹ Sa.
Trại tham dự với nhiều Liên đoàn, và nhận phân công mỗi Liên đoàn sẽ đảm nhận một ngày ẩm thực cho toàn trại.
Và ngày ấy…
Chỉ một ngày ấy mà thôi …mãi mãi đã làm cho tôi không bao giờ quên.
Liên đoàn Quang Trung những tưởng mình thiệt là hên khi được phân công chỉ lo ăn chiều, lý do ngày khai mạc ban quản trại đã chuẩn bị tương đối khá nhiều cho buổi trưa, phần dành cho quan khách, phần dành cho trại sinh nên buổi chiều thức ăn còn lại khá nhiều chúng tôi chỉ lo luộc bún và chiên chả giò.
Nhưng….ngày ấy, thời tiết rất đẹp, nắng chói chan và nóng ran người. Số lượng chả giò khi mang ra chiên thì hởi ơi! Chả giò đã bị nắng làm thiu hết tất cả.
Rốt cuộc vào lúc xấc bất xang bang đó thì Trưởng Mỹ Sa đã mang ra và giao cho chúng tôi nửa con heo to sù với mệnh lệnh là mang heo ra …quay lập tức!
Ôi! Mang nửa con heo ra quay, chúng tôi loay hoay đến mướt mồ hôi, phần heo quá to, phần thời gian không có, phần kinh nghiệm quay heo của Quang Trung …thiệt tệ.
Kết quả heo đã không chín thì chớ mà khói bay thì mù mịt cả góc trời, kéo dài đến 20 giờ mà vẫn chưa xong phần cơm chiều. Các em Ấu, Thiếu, Thanh, quý Trưởng, Phụ Huynh hầu như toàn trại thảm nảo nhìn cảnh quay heo và thầm hát cùng nhau bài ….chờ cơm.
Cũng từ đó chúng tôi quen biết và càng lúc càng thân thiết hơn với hai Trưởng:
Beo trầm-lặng Trần Huy Hoàng và Nguyễn Thị Mỹ Sa (quên tên Rừng!).
Danh từ Hoàng Audi!
Biệt danh này ban đầu vào trại những tưởng chỉ để phân biệt với Lê Hữu Hoàng ở Thất Sơn. Dần dần thì ra Trưởng mình chỉ thích và đi xe hiệu Audi với những lý do thiệt là dễ thương. Hãng xe ở gần nơi anh ở, hư hao hay sửa chữa đều mau lẹ và bảo đảm. Anh luôn khen xe rẻ, bền, đẹp nhưng mọi người chúng tôi đều rõ hiệu xe Audi bền, đẹp thì có và đúng nhưng rẻ thì nhất định là không. (Sau đó được biết do anh Gà lôi gọi anh là Hoàng Audi, từ đó tên này… dính với anh luôn và anh cũng đã kể lại cho anh chị em khác biết chuyện này..!)
Thời gian dần trôi.
Càng gần hai Trưởng, chúng tôi càng thân thiết hơn bởi đức tính khiêm nhường, ăn nói nhỏ nhẹ đẹp lòng người nghe, chưa lần làm ai phiền hà, hết lòng với phong trào, vui vẻ nhận mọi trách nhiệm chẳng bao giờ từ nan công việc từ Chi Nhánh đến Liên đoàn giao phó.
Chi Nhánh Đức.
Ngoài những lần trại Liên đoàn, năm nào chúng tôi cũng gặp nhau vào mùa Phục Sinh, bởi chỉ vào lúc này nước Đức mới có cùng ngày nghỉ.
Và Trưởng Beo trầm lặng …
Với chiếc xe bus 9 chỗ ngồi, Trưởng tháo bớt ra vài ghế thay vào đó là lều chỏng vật dụng cho trại, những cột cờ anh em làm xong cũng được chất lên khi khởi hành và cất vào kho khi trở về nhà. Chưa hết, trại nằm vào những ngày lễ lớn nên chợ búa quán sá đều đóng cửa, Trưởng lại dùng những chỗ trống trên xe chất thêm vào nào là thực phẫm hay nước uống cho anh em dùng.
Không chỉ hết lòng với phong trào, để mừng 25 năm thành lập Liên đoàn Hùng Vương, Trưởng đã mời một thầy dạy đánh trống cổ truyền, trống do Trưởng tự xuất tiền túi ra mua, vị thầy đã được đón đưa đi nhiều lần để cho các em Thanh tập dợt và ngày trình diễn quả là không bỏ công lao Trưởng cố gắng lo toan. Vậy mà nhắc đến công lao này Trưởng chỉ khiêm tốn như những lần qua:
-Sự đóng góp này có thành công là nhờ các em cố sức luyện tập chớ “anh Hoàng“ đâu có làm gì đâu. (Thói quen xưng hô với quý Trưởng hay các em nhỏ tuổi hơn mình).
Với hoài bảo, với mơ ước được phát triễn ngành Thanh, Trưởng lo lắng từng chương trình, chăm chỉ sắp đặt mọi việc, lần nào thành công Trưởng cũng khiêm tốn nép mình sau lưng các Trưởng trẻ và nhún nhường:
-Nhờ các Trưởng trẻ góp sức chớ mình “anh Hoàng“ sẽ không đi đến đâu.
30 năm qua.
Hết trại Chi Nhánh, trại liên đoàn, rồi cuối năm lại đi họp Trưởng.
Beo trầm-lặng vẫn hay liên lạc với chúng tôi:
-Anh chị lên em, bỏ xe ở đây, mình đi với nhau một chiếc là đủ.
Đúng! Đoạn đường dài đi họp. Khi thì 600km, khi 800km, khi lên 1.000km khi tới 1.200km đi về chúng tôi đi bên nhau không thấy mấy gì xa.
Thời gian đầu đi trại, cứ thấy Trưởng khi thì vào xe nằm ngủ, khi thì giăng lều khoảng cách khá xa nơi anh em, sau mới biết Trưởng ngáy khá to nên ngại phiền lòng hàng xóm ban đêm cần nghỉ ngơi nên anh Gà đã kêu hết ban nhạc kèn đồng này lại mùa hè thì vào chung một lều còn mùa đông thì kéo nhau vào một phòng dành cho họ hàng nhà Ngáy tha hồ …phát triển tài năng.
Cũng ở đó, những chuyện vui bên lề được ghi chép lại, chuyện nhà, chuyện xã hội, chuyện quê hương…vv…vv…
Chúng tôi còn biết được Trưởng là chủ tịch của cộng đồng giáo xứ đã hơn 10 năm qua, cứ hết nhiệm kỳ là Trưởng lại xin cha cho bầu người mới nhưng hầu như không một ai ra ứng cử và cha xứ cũng một lòng giữ lại một người giáo dân hết lòng với công việc bất kể ngày đêm. Có ai đó đã hỏi rồi cả ngày nghỉ hay cuối tuần anh cũng không từ chối hay sao? Nụ cười hiền hòa trên môi, anh bảo bà con cần sự giúp đỡ mới gọi đến mình, nếu ai cũng không có vấn đề nào có ai muốn quấy rầy đến người khác.
Và Chi Nhánh Đức chúng tôi cũng đã thăng trầm theo nhịp sống nơi đây.
Một phần các em lớn lên đi học thay trường đổi lớp, rồi đi học, đi làm, phần đi định cư nơi nước thứ khác…Nhìn quanh rồi cũng chỉ những gương mặt thân quen lâu nay gắn bó với phong trào mà Beo trầm-lặng là một trong những số đó.
Những tưởng anh em sẽ sát cánh bên nhau trong đoạn đường khó khăn ghập ghềnh và khó đi này. Ngờ đâu chỉ nghe anh bệnh, vào bệnh viện vài ba tuần và rồi ….từ giả cuộc chơi.
từ bên trái : Anh Hoàng ngồi thứ ba
Làn sương mù khá dày dặc, chen vào đó là những hàng cây rừng cao ngất ngưởng, tiếng suối nước chảy róc rách đâu đây.
Hình như tôi đã nhìn thấy Beo trầm-lặng?
Trong không khí tĩnh lặng ấy, bất giác tôi cất tiếng gọi thật to:
- Anh Hoàng Audi!
Thoảng thật nhẹ như cơn gió lay mành, vẫn cặp mắt kính dày cố hữu và quen thuộc mỗi lần gặp anh, anh vẫy nhẹ tay như lời chào tạm biệt:
-Em phải đi xa rồi đây, chị Phước ơi! (Tuy anh hơn tôi một tuổi nhưng dựa hơi anh Gà hầu hết anh em trong Chi Nhánh vẫn gọi tôi là chị.)
-Anh đi đâu? Tôi hấp tấp hỏi dồn.
-Xa, xa lắm. Nơi mới này, ban đầu thì thấy nhỏ, chật lại khó khăn, nhưng hy vọng sau đó sẽ được đến nơi tươi đẹp hơn, rộng lớn bao la hơn… và có lẻ không còn có dịp gặp lại nhau.
Tôi cố gắng hỏi vói theo, cố gắng nói thêm vài câu trong tiếng mất tiếng còn:
-Xa mấy thì xa anh em mình vẫn phải liên lạc với nhau mà….
Bóng anh chợt ẩn chợt hiện cho đến khi mất hút sau những tàng cây, tôi muốn đưa hai bàn tay của mình ra níu kéo anh quay lại.
Khoảnh khắc ấy sương mùa đã che kín tất cả, che hàng cây, che con suối và che mất đi rồi bóng dáng của anh…..
Sực tỉnh lại, nhìn quanh chỉ thấy bóng tôi và những ngọn đèn đêm lấp lánh bên đường.
Anh Hoàng Audi,
Trưởng Beo trầm-lặng.
Thực sự anh đã rời xa chúng tôi rồi.
Miền miên viễn nào đã cuốn hút anh đi như vậy?
Tạo hóa hay định luật đất trời đã định. Nào Sinh Lão Bệnh Tử, nào Thành Trụ Hoại Diệt. Nhưng cứ có một người thân quý rời xa thì tâm tư tôi lại nặng trĩu bồi hồi.
Xin từ biệt anh đây.
Ở nơi xa mà anh đã vẫy tay chào tôi đó, chắc hẳn đang có Quạ trầm-ngâm Tôn Thất Đỉnh, có Sơn Dương đảm-đang Trần Thanh Phong và có cả Phan Phú Đạt đang đứng chờ anh. Chắc hẳn lại cùng nhau giăng lều, đốt lửa và hát lời ca quen thuộc:
Gặp nhau đây rồi chia tay…
Hay:
Anh em chúng ta chung một đường lên…
Bài viết ngắn này xin gửi đến anh như một lời chia tay với người huynh trưởng mà cả Chi Nhánh Đức nói chung và gia đình tôi nói riêng luôn luôn hằng quý mến.
Chúa đã gọi anh về.
Cầu nguyện anh được sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.