Truyện Ngắn

Kiếp Sau

Undated

 
 

Cái hẹn của chỗ làm mới làm tôi mất ăn mất ngủ hai hôm nay, cô con gái út luôn luôn cười trấn an :

« Má đừng lo lắng quá, hy vọng sẽ được mà. »

Đã từ lâu, tôi muốn đi tìm một chỗ làm mới để từ giả cái hãng « gia đình «  này, đi làm thật nhiều, lãnh lương …thật ít,  làm sớm về trễ không một câu nói tỏ ra quan tâm hay trả thêm lương bổng, nhưng những điều này tôi vẫn chấp nhận chỉ có chuyện kỳ thị thì khó mà chung đụng lâu dài. Một người Á Đông độc nhất là tôi làm việc ở đây, chung quanh là những người bản xứ, cách nói, cách nhìn …. Ôi chao sao mà dững dưng xa lạ và vô tình .

Hôm nay sau khi chuẩn bị ngày nghỉ phép, tôi đi sớm hơn một chuyến xe điện, tim đập ..hơi mạnh, tâm tư lúc này thật khó mà diễn tả, lo lắng và đủ mọi ý nghĩ vớ vẩn trong đầu.

Đúng 9h, tôi gặp người chủ mới, trái hẳn với những suy nghĩ trước đây trong đầu, ông ta chỉ hỏi vài ba câu lấy lệ :

« Bà làm công việc này lâu chưa ? »

« Dạ đã ba năm . »

« Đọc, viết, nghe điện thoại không có vấn đề ? «

« Dạ ».

« Bà thu xếp làm thử công việc khoảng ba ngày không có vấn đề chứ ? »

« Dạ được, thưa ông khi nào ? »

« Ngay ngày mai ? »

« Vâng, không trở ngại gì »

« Lương của bà sẽ nói sau khi làm thử công việc . »

Sau đó chỉ là những lời hỏi han từ đâu tới, ở đây đã bao lâu….v..v.

Những chờ đợi, lo âu, hồi hộp,….tất cả đã trôi qua sau ba ngày làm thử công việc ..và đợi đến hôm nay sau khi cầm trên tay tờ hợp đồng mới, lương …mới và mọi sự đều …mới sẽ bắt đầu trong những ngày tháng tới.

Buổi sáng của ngày đầu tuần, tôi đã có mặt nơi chỗ làm, còn quá sớm nhưng không sao, nhìn quanh, cánh cửa sắt vẫn đóng im lìm, đứng một mình nhìn quanh tìm một chút gì quen thuộc, thân thương, tìm một chút gì gần gủi với quê hương nhưng vô vọng, chỉ những xa lạ, dửng dưng và vô tình.

« Bà làm việc ở đây ? »

 Giật thót mình, tôi xoay mình nhìn ra phía sau,  một người đàn ông bản xứ khá đứng tuổi, cao lớn với hàm râu xồm xoàm đang đứng nhìn tôi chòng chọc.

« Chào ông , bắt đầu hôm nay tôi sẽ làm việc ở đây. » Tôi trả lời thật nhỏ.

Gã không nói lại một câu nào, lặng im chỉ có tiếng chìa khoá lạch cạch và cánh cửa sắt khô khan mở ra .Tôi nói như tự chỉ một mình nghe lời cảm ơn gã đã mở cửa .

«  Ngoại quốc nhiều quá ở hãng này rồi !!!! » Gã buông thỏng một câu như cành cây khô gãy gọn rồi đi thẳng.

Ái chà, tôi lại gặp chuyện này nữa rồi, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Lặng im tôi đi ngay đến chỗ làm việc,  cũng may ngày đầu tiên chưa có gì khó khăn, nhìn, tham khảo, hỏi han cách thức làm việc, nhờ cô đồng nghiệp còn lưu lại một tuần để chỉ dẫn nên tôi cũng không mấy gì bỡ ngỡ. Một tuần tôi sẽ tận dụng thời gian để học cho quen  tay làm và luôn luôn nói thầm với tôi như thế.

Thời gian trôi qua thật nhanh, nơi chốn đã tạm quen dần, mỗi sáng đến , tôi nhìn nơi làm việc thấy dễ chịu hơn, nói cho rõ là thấy thoải mái trong lòng hơn.

Sáng nay người chủ vào, đi theo sau là gã đàn ông lớn tuổi đó, từ nay tôi sẽ gọi là …lão cho tiện.

« Bà Minh, đây là ông Becker, một người làm việc thâm niên ở đây, từ hôm nay cô Patricia sẽ không còn đến nữa, mọi vấn đề bà chỉ cần liên hệ đến ông Becker là đủ, khi công việc nhiều ông Becker sẽ lên phụ giúp. »

« Dạ ».

Tôi quay lại nhìn lão ta :

« Tôi sẽ đến tìm ông ngay khi khó khăn. cảm ơn ông . »

Lão ậm ừ trong miệng không nói một lời nào.

Thời gian đi qua như bóng câu, tôi cũng chẳng biết bóng câu ra sao, nhưng nghe hoài cũng quen miệng, mùa thu đã đến, không khí và phong cảnh của mùa thu thật dễ thương, mỗi ngày đi làm lá vàng rơi đầy, khí lạnh se se chiếc áo khoác như có một chút hơi sương làm tôi nhớ đến Dalat vô cùng. Cái Galerie to lớn này đầy ắp công việc, lớp họa sĩ triễn lãm, lớp hàng hóa của các cửa hàng nhỏ mang đến, lớp khách hàng tư nhân chuẩn bị quà Giáng Sinh …v…v.  Tôi phải đi tìm lão Becker rồi đó, nghĩ đến ngày phải làm chung với lão ta lòng tôi lại thoáng chút ngại ngùng và lo âu.

Thời tiết trở lạnh thật là nhanh, mới lá vàng bay nhè nhẹ, giờ lại gió tuyết, không còn thấy hơi sương mà là cái lạnh tê cóng tay chân, quần áo giờ phải là đúng của mùa đông nào măn  tô dày cộm, khăn phu la, găng tay …ôi thôi thật là phức tạp.Tuyết cứ  nhè nhẹ rơi và tôi, vẫn một ngày như …mọi ngày.

Lão đã có mặt đúng hẹn như tôi trình bày tuần rồi, lão ngồi đăm đăm xem từng hợp đồng và rỉ rả hút thuốc, khói bay mờ mịt làm tôi thấy ngột ngạt nên tôi bước tới mở nhẹ cánh cửa toang ra.

«    Bà không hút thuốc sao ? » Lão hỏi  to giọng .

«     Thưa không . »

«  Người Á Đông, nhất là phụ nữ không mấy khi hút thuốc phải không ? » 

«  Hiếm khi  » . Tôi đáp gọn .

Tôi vờ xem đồng hồ ( thật ra tôi không muốn tiếp chuyện với lão ta nữa ) tỏ ý muốn bắt tay làm việc, vẫn cái giọng càu nhàu và dễ ghét đó lão sẳng giọng :

«  Làm gì ? »

Tôi chỉ hàng loạt tranh ảnh cao ngất nơi bàn chuẩn bị, tay cầm xấp hợp đồng đưa về phía lão và nói nhỏ nhẹ :

« Đây, phần nào thích hợp thì của ông, phần còn lại tôi sẽ làm. »

Không khí thật im lặng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng ho khàn khàn của lão kèm tiếng động của những âm thanh công việc, lâu lâu lão lại bật lửa mồi thuốc lá, lật lật những tờ hợp đồng xem xem ….tôi vẫn lặng thinh, cái gì thì khó chứ im lặng thật là dễ dàng cho tôi.

Tôi không buồn bắt chuyện …. Cho đến lúc lão mở miệng hỏi bâng quơ :

« Tại sao bà lại đến xứ Đức này ? » chưa kịp trả lời lão ta đã bồi tiếp

« Ở đây người ngoại quốc đã quá nhiều, người ngoại quốc lấy nhiều công việc làm , người Đức không muốn người ngoại quốc vào nữa. »

A cái lão này !! Lão lại muốn gây sự với tôi ?  Chuyện người bản xứ không thích người ngoại quốc  tôi biết, nước Đức nổi tiếng kỳ thị mà, nhưng không qua lại  không gần gủi  không giải thích thì làm sao hiểu nhau được ? ngón tay cũng còn có ngón dài ngón ngắn, con người cũng có người tốt, người tệ, cái lão già này thật khó chịu . Lão làm sao biết được cái quê hương xa xôi của tôi, lão cũng làm sao mà hình dung đượcvì sao tôi lại đến đây, vì sao tôi phải lưu lạc phương này? Khí hậu lạnh lùng cũng như tâm tình của người dân ở đây, ngôn ngữ, văn hóa , phong tục đời sống đều khác  xa quê hương của tôi, đến đây và chấp nhận nơi này làm quê hương thứ hai cũng đã lao đao biết bao nhiêu.

Tôi cười nhẹ :

« Nếu quê hương tôi không có Cộng Sản cay nghiệt , đàn áp mọi thứ thì tôi vẫn ở nơi đó, ai là người muốn xa quê hương ?» Không chờ lão phản ứng gì tôi tấn công luôn :

« Ông ở tiểu bang nào đến đây, ở đây ông cũng là người » ngoại quốc « mà ».

Lần đầu tiên tôi thấy lão nhếch mép và hình như suốt ngày lão cũng có vẻ ít cau có với tôi.

Tháng ngày trôi qua, công việc của tôi đã có vẻ thuần thục, bao mùa Xuân đi qua, bao mùa Thu thay lá, bấy nhiêu mùa tôi đã tạm dung nơi quê hương này. Cảnh đã quen, người cũng đã bớt xa lạ, khoảng cách biệt hầu như cũng ngắn dần, lão già đáng ghét dạo này hình như cũng có nhiều thay đổi, lão hỏi thăm về quê hương Việt Nam của tôi, cách cư xử phong tục ăn uống , chào hỏi ….. Tuy trả lời  lão nhưng tôi vẫn giữ một khoảng cách thật xa với lão ta, mỗi câu trả lời là một sự dè dặt, từ lão tôi đã nghe khá nhiều những chuyện không tốt của người ngoại quốc như: người ngoại quốc làm biếng, sanh con nhiều chỉ để lãnh tiền trẻ con của chính phủ, làm vài ba chục năm là lấy tiền về xứ xây nhà rồi ….ăn hưu  dài dài…..v…v và v..v..

Mặc lão nói gì thì nói, tôi ngày ngày đều đặn làm việc, hết giờ thu xếp đi về, không góp ý kiến, không một lời chê khen. Cái quê hương điêu tàn của tôi có gì để nói?  Cái chế độ tàn ác kia có gì để khoe ? Bản thân tôi ở đây có gì nổi bật ? Có  chăng là chỉ thấy một người đàn bà Á Đông nhỏ nhoi, lạc lỏng trong một giòng người luôn luôn đầy tự hào dân tộc, giàu mạnh, tân tiến .

Thế nhưng …. Cũng tại chữ nhưng này .

Mặc dù quê hương tôi nghèo khó, mặc dù tôi đã tạm ổn sống nơi quê hương gọi là thứ hai ở đây, nhưng tôi không muốn ai được phép chê bai hay xâm phạm đến quê tôi, động đến là y như rằng ….máu sôi lên tận óc. Tôi muốn nói với lão một lần: lão làm sao biết được nơi xa xăm kia, nơi mà những tháng năm của thời thơ ấu, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ bỏ nước ra đi. Trong cái thành phố mù sương Dalat kia tôi đã được sinh ra và lớn lên thật êm đềm và dễ thương như tên gọi, thành phố không ( hay chưa !) một lần thấy không khí chiến tranh, đổ nát mà chỉ thấy những cô gái học trò má đỏ môi hồng với chiếc áo dài tung bay như cánh bướm, tiếng nói giọng cười vang cả bầu trời, nào ai biết hay nghĩ đến chữ sẽ phải tìm chốn tạm dung, không có danh từ tỵ nạn và sẽ lưu lạc nơi xa lạ khô khan như xứ này ! 

Nhưng khốn khổ thay, bỗng như cơn lốc kinh hoàng đã cuốn đi tất cả…

Tám năm trôi qua thật nhanh kể từ ngày đầu nhận việc. Khoảng cách và lối đối xử của lão cũng càng lúc càng thay đổi. Lão hỏi nhiều về quê hương Việt Nam của tôi, mà cũng lạ là trước kia tôi ít nói, còn bây giờ hình như …có phần già chuyện. Tôi nói say sưa, diễn tả thật tuyệt vời, tôi đã quên bẳng từ lúc nào lão đã gọi tên tôi :  Minh, thật là thân mật.

« Có bao giờ Minh định về lại Việt Nam không ? »

« Có, khi không còn Cộng Sản nữa thì tôi sẽ về. »

« Rồi có trở lại Đức không ? »

« Có thể tôi sẽ trở lại đây. Sống ở đây cũng đã khá lâu, không biết khi tôi về, bà con thân nhân bên ấy có còn không .., nhất là các con tôi, có đứa được sinh ra và lớn lên ở đây….. ! »

Lão hỏi thật nhiều, từ chính trị đến văn hóa xã hội, hết đề tài thì lão xoay qua tôn giáo, ôi thật khó khăn cho tôi, vốn liếng tiếng Đức của tôi thật ít khi nói đến những chuyện này .Lão hỏi:

« Minh đạo gì? »

« Đạo Phật »

« Có đóng thuế cho chùa không »

« Không, hiện tại chỉ tự nguyện, khi có thì tặng, khi không có thì cũng không sao . »

« Có đi Chùa mỗi Chủ Nhật như Công Giáo hay không ? »

« Cũng vậy, Chùa gần thì đi thường, còn xa thì lâu lâu. »

« Cái gì cũng tự nguyện hết sao ? Việt Nam của Minh cái gì cũng tự nguyện hết vậy sao ?” Lão hỏi vặn tôi và chờ tôi phải trả lời .

Tôi phải cắt ngang  và giải thích thật nhiều với vốn liếng Đức ngữ thật nghèo của tôi, hình như lão thấy thú vị lắm khi tôi cho lão biết nhiều điều thoải mái trong tôn giáo, phong tục tập quán Việt Nam……..

Cho đến một hôm làm việc, lão lộ nét buồn và cho tôi hay khoảng hai tháng nữa lão sẽ chuẩn bị về hưu. Tôi ồ lên một tiếng vui mừng và chúc lão ta từ nay, khi được hưu trí thì sẽ  có nhiều thời gian đi du lịch và nghỉ ngơi hơn. Chẳng thấy lão nói gì cả mà cũng chẳng lộ nét vui mừng, lấy làm lạ nhưng tôi cũng không lưu ý gì cho mấy.

Rồi ngày về hưu của lão cũng đã đến, lão đích thân mời tôi dự buổi tiệc giã từ. Tất cả đồng nghiệp cùng đến chúc tụng và nâng ly,  tôi thấy hình như  mặt lão buồn xo !

Mọi người bắt tay từ biệt và lần lượt ra về, tôi cũng vậy nhưng lạ chưa, lão xin tôi cho lão một chút thời gian, lão có việc muốn nói cùng tôi. Nghĩ là lâu nay làm chung  một thời gian, có lẻ tôi được đặt biệt hơn nên từ giã có phần lâm ly hơn chăng nên tôi chờ lão ……

Trở lại với gương mặt thật buồn, lão tỏ ý muốn hỏi tôi thêm chút ít những điều lão chưa có  hiểu rõ trong  đạo Phật của tôi.

« Có phải Minh nói “ Đạo Phật của Minh », những người chết đi sẽ đầu thai kiếp khác ,cuộc sống cứ mãi như thế mà trở lại có đúng không ?

Tôi nhìn lão đăm đăm không biết câu hỏi này lão hỏi để làm gì? Tôi đâm ra ngại ngùng trả lời làm sao cho lão rõ đây ? nhưng chưa kịp cho tôi suy nghĩ, lão tiếp:

« Tôi có nghe và biết như thế, bây giờ về hưu, những ngày tháng còn lại tôi chỉ mơ… lúc nào qua đời tôi sẽ được trở lại cuộc sống mới là người Việt Nam, sẽ lập gia đình với một người như …Minh  ( lão ngập ngừng hồi lâu) .Tôi nghĩ, lão tiếp, chắc tôi sẽ là một người sung sướng ở kiếp sau…….. »

Ôi cái lão già này làm tôi khựng lại một hồi lâu, lâu nay những màu sắc nơi tôi làm việc, những tấm tranh Renoir, Ce’zanne, Dali,Van Gohg…v…v… cũng tại lão mà tôi không làm sao tìm ra những nét đẹp cũng như không có tinh thần để mà nhìn ngắm, nhưng cũng tại lão mà hôm nay tôi lại thấy những tấm tranh và màu sắc tươi đẹp vô cùng, tất cả đang thi nhau dựng hết lên tường không cần tôi phụ giúp, bây giờ tôi cũng nhìn ra hoa đẹp, màu sắc đẹp người đẹp cũng là tự tay mình tô vẽ mà thành, lòng tôi vui vui, khoác áo đi về, đường xá dù đang là  mùa đông mà sao lòng tôi ấm áp chi lạ. Con người rồi ra sẽ và nên không còn phân biệt chủng tộc, chúng ta đang trên cùng một chiếc thuyền…

 
 

Minh Trang



Một ngày mùa đông ở Munich.