Chuyện Bên Lề Trại Hướng Đạo

Kha Yersin-216 Đạo Lâm Viên Đalạt & Tết Mậu Thân 1968

01.2016

 

Tết Mậu Thân – 1968 !!! có lẻ không ai trong chúng ta có thể quên những hình ảnh của cái Tết này mỗi khi “năm con Khỉ” trở về.

Cũng như các đô thị khác của miền Nam, sáng mồng Một Tết phố xá Dalat bỗng... êm ru, vắng vẽ ngoài tiếng súng, không phải tiếng pháo nổ, từ sau Giao Thừa (!) cho đến tờ mờ sáng và thỉnh thoảng có tiếng... xua đuổi “...mau về nhà đi!” khi có vài bóng người ra phố “đón Xuân!”. Đường xá vắng hoe, không như những năm trước và ai cũng chỉ biết đứng nhìn ra cửa sổ xem chuyện gì đã xảy ra? Tiếp đến là… bom rơi, đạn nổ… và người người đưa nhau lánh nạn!

Vì chung quanh thành phố Dalat, các khu số Bốn, số Sáu..., bị hư hại 100%, bà con chạy lánh nạn vào trung tâm thành phố quá sức đông, chỉ đôi ba ngày sau là trường Việt Anh của Trưởng Lê Phỉ, “trại... tị nạn đầu tiên bất đắc dĩ của Thành phố” không thể chứa thêm người, nơi đây cũng ngay từ đầu HĐS Đạo Lâm Viên cũng “trở thành tình nguyện viên” thay nhau giúp đỡ bà con cho đến khi tình hình ổn định, bà con rời trại về nhà!

Như đã thưa, vì Trường Việt Anh không còn một chỗ trống cho nên bà con được đưa sang trường Tân Sanh đường Phan Đình Phùng, một trường Hoa-Việt, và Kha Yersin-216 được ủy nhiệm cùng Đạo Trưởng Lê xuân Đằng coi trại tị nạn này. Trưởng Đạo Trưởng là người... "nhẹ dạ" vì vậy những sự việc liên quan đến người chạy nạn, Kha 216 giải quyết và thưa với Trưởng sau… Trong cái không khí chết chóc ngộp thở vì súng vẫn nổ, thành phố giới nghiêm, nên vắng hoe (mà có khi không giới nghiêm cũng chẳng ai dám đi...!) ngoài HĐS được Ông Thị Trưởng cấp phép đặc biệt, chỉ có 2 xe HĐ, loại pick-up, đúng hơn là của gia đình, chạy tới chạy lui lăng xăng, xe Toyota của Tr. Phan Bá Phi và Isuzu của Tr. Nguyễn văn Minh, cả hai thuộc Kha 216, chạy chở nạn nhân bị thương, bị... chết, kể cả các việc chạy chở thực phẩm nơi Ty Xã Hội, xin rau cải… Chỉ xin ghi lại một vài chuyện trong nhiều chuyện đã xảy ra nơi trại Tân Sanh, những “kỷ niệm” khó quên.

 

Khi bà con được đưa sang trường Tân Sanh, con số xấp xỉ 1000! Ngủ trong các lớp học không đủ là điều chẳng có chi khó hiểu cho nên phải chia các gia đình ngủ ngoài sân đã được che mái tạm… Hôm đầu tiên lại được Ty Xã Hội mang sửa bột xuống phát, do không quen uống, bà con chột bụng nên... “vung vải” tràn lan khắp cả sân cỏ phía sau trường (sân có bề ngang khoảng 40 thước chiều sâu khoảng hơn 10 thước nếu tôi nhớ không lầm), và không có thể... để một bàn chân vào được!!! Eo ôi! các Kha vừa “nhận việc” đã gặp cảnh này!. Bà con chắc là cũng... “sợ quá” nên không ai muốn... nhìn, rồi còn lên tiếng chỉ trích là do Kha cho họ sữa… .nên mới có chuyện như thế! Cuối cùng, anh em lấy khăn quàng che mũi và miệng, cầm xẻng, cuốc ra dọn…, vì nếu không sẽ còn bi thảm hơn bởi không có chỗ vệ sinh cho bà con... Làm được mươi phút, một số thanh niên, đàn ông thấy vậy cũng chầm chậm phụ tay. Khi xong xuôi, nghĩa là dồn lại thành một đống nơi góc tường, các Kha cũng với sự tiếp sức của bà con, đào một hố vừa dài vừa lớn để bỏ cái đống kia xuống, lấy các thanh gổ lót ngang và dùng bạt nylon che thành vách làm thành nhà vệ sinh… (Ngồi viết mà vẫn cảm thấy... ớn!).

 
 

Thứ hai, khi viết danh sách các gia đình để nộp xin lương thực, đến một ông thì.. tên của ông trở thành “vấn đề!”. Ông nói tên ông là Phạm “Bổ!” Anh em viết Bê, ô hỏi!

Ông bảo không đúng, tui là Phạm “Bổ” mà các cậu viết sai tên “Bổ” của tui ! Cứ thế dằn co một lúc khá lâu và vì ông không có giấy tờ chi nên cứ loay hoay mãi, sau bèn nhờ ông viết tên ông giùm.. Thì ra, ông tên Bảo nhưng vì người xứ Quảng nên đọc thành Bổ! Các Kha không dám... cười tại chỗ.

Thứ ba, sau khi phân phối mền, anh em được giữ lại cho mình mỗi người một cái. Tối hôm đó trời khá lạnh, tất cả bà con ngủ và ho có vẻ nhiều hơn nên anh em chia nhau đi thăm.. Kéo mền đắp cho em nhỏ này, đắp lại cho ông bà kia.. anh em thấy bà con không đủ ấm nên ho..., bèn (không ai bảo ai) lấy phần mình đắp cho bà con..., có người thức thấy và sau này kể lại là họ rất cảm động trước cử chỉ ưu ái của anh em... Đến khi trở lại phòng, không còn cái mền nào! Lạnh quá, lấy 2 bao bố không còn gạo chui vào, một cho chân vào kéo lên, một... chụp trên đầu xuống cho đỡ lạnh. Không tới 30 giây tất cả... lột bỏ hết bao, cười khúc khích hỏi nhau... thì ra bị các con... mọt gạo trong bao chui vào người nên vừa khó chịu vừa nhột nhạt, không sao chịu nỗi! Nhưng… lạnh quá, lại trùm vào, lại lột ra… cứ vậy đến sáng luôn!

Sau cùng, không may có một em bị bệnh và khi đưa lên bệnh viện thì hôm sau qua đời. Anh em lại báo cho Tr. Đạo Trưởng để… xin hòm, xong lại tìm xe và Tr. Phan bá Phi đã giúp chở đi chôn! Khi tất cả mọi thứ lo xong đâu vào đấy, vì không an ninh nên khoảng trưa, 11, 12 giờ chi đó là xe đưa đi chôn. Thân nhân... không chịu, viện cớ là 15 giờ mới chôn vì... “giờ tốt!”. Súng đạn còn nổ khắp nơi, nhất là trên nghĩa trang... cho nên anh em cố thuyết phục gia đình mãi mà không xong cái “giờ tốt này”. Sau cùng phải... “uy hiếp” rằng nếu thân nhân không chịu thì... tự lo lấy, anh em mặc kệ không biết đến, lúc đó họ mới...

đành chịu, nhưng chôn sau 12 giờ!. Một số Kha đi theo để đào huyệt rồi lấp đất và gần 15 giờ mới xong! Khi về lại, tất cả đều còn sợ vì đạn thỉnh thoảng véo trên đầu! Hú vía!

Trong thời gian ở trại Tân sanh, lúc nào cũng thay nhau để con số có mặt tại trại luôn trên 10 Kha sinh!

Sau khi trại tị nạn giải tán, Đạo lại vận động xin rau cải để mang ra Huế..., lực lượng chủ yếu đi xin và chuyên chở vẫn là Kha 216! Tr. Phan Bá Phi đã mượn xe vận tải của gia đình đi chở rau cải các nơi cho, chỗ nào cho ít hơn một chút thì xử dụng xe của Tr. Nguyễn văn Minh. Cứ thế mà số lượng cũng đã đạt được 13 tấn rưỡi! Đạo ủy nhiệm Kha mang số hàng này ra Huế, sau khi đã xin được máy bay của Không quân giúp phần chuyên chở, chiếc vận tải cơ to tướng C130 thì phải? Vì tình hình vẫn còn không an ninh cho nên Đạo yêu cầu các Kha phải có giấy ưng thuận của Cha Mẹ cho đi, Đạo sợ bị... khó khăn nếu không may xảy ra...! Giấy được nộp đầy đủ nhưng thời gian khá lâu sau đó mới biết... toàn là… tự ký vì muốn đi quá, Cha Mẹ chỉ nghe nói thôi!

Anh Phan Bá Phi đã viết lại chuyến đi này với khá nhiều chi tiết, ở đây tôi chỉ tóm lược đôi điều. Có lẻ không ai quên, chuyến đi thật nhiều phiêu lưu mạo hiểm, đúng là... Kha, thuở đó hay nói: Kha khà khà!

Khởi hành ở phi trường Cam ly, không xa thành phố bao nhiêu, và phi cơ đáp xuống phi trường Phú bài Huế. Nếu nhớ không lầm, phái đoàn chúng tôi gồm tất cả 09 người, kể cả Trưởng Vĩnh Tôn ngành Ấu và là dân xứ Huế chánh tông, phó ĐT Hành chánh Đạo Lâm Viên lúc đó và là Trưởng phái đoàn, tuy vậy mọi quyết định liên quan đến phái đoàn đều do tất cả góp ý chung. Bên Kha có 3 Trưởng: Phan Bá Phi, Nguyễn văn Minh và Gà tôi cùng 5 Kha sinh. Tôi nhớ là: Nguyễn văn Hoàng, Phan như Hà, Trần văn Trọng, Ng. tấn Mạnh, Ng. văn Hoành.

 

Xe GMC chở hàng về toà hành chánh Huế

 

Huế đổ nát-Từ trái Gà – em Mạnh-Tr.Vĩnh Tôn - em Hoành

 

Từ phải: Em Hoàng- Tr.Phi-HĐ địa phương

 
 
 

Ba bốn chiếc GMC chở số lượng 13 tấn rưỡi hàng hóa cùng anh em chúng tôi về trước Tòa Hành Chánh Tỉnh (đổ nát từ 50 đến 60%!) và ngừng lại nơi đây. Các anh Vĩnh Tôn, Phi vào họp với các vị lãnh đạo Tỉnh về cách thức “giải quyết” số hàng hóa này, tôi và anh Minh đi tìm Trưởng Tôn LIÊN LẠC SỐ MÙA XUÂN 2016 - Trang 31 Thất Đông, Châu Trưởng, thân phụ Trưởng Tôn Thất Sam – Dalat, các Kha còn lại được nhắc nhở ngồi trên xe, không được tự ý rời đi đâu cũng như không phân phát thứ chi cho bất kỳ một ai và anh em đã thi hành nghiêm chỉnh điều này!

Phần tôi và anh Minh, vừa không biết đường xá vì dân lạ trăm phần, vừa lo là không biết cứ loay hoay mãi thế này thì đến khi nào mới gặp Tr. Đông, dù... cũng thấy ngại và kỳ kỳ nhưng sau cùng cũng leo lên xích lô nhờ chở đến...

 

Vốn chưa hề gặp Tr. Đông cho nên khi hai anh em đứng trước căn nhà theo địa chỉ cầm tay, thấy một “ông bác” áo thun quần ngắn đang ngồi trước sân, bèn thưa ngay: Thưa Bác đây có phải nhà Tr. Đông? Được trả lời phải, chúng tôi lại thưa tiếp là xin được gặp Tr., “ông bác” bảo, tôi đây! Hai anh em đứng ngay người, chào HĐ và thưa, chúng em HĐS đạo Lâm viên ..v..v..

Trong đêm đầu nơi xứ Huế thơ mộng, chúng tôi ngủ tạm nơi Tòa Hành Chánh nhiều đổ nát, phải quét dọn mảnh kính bể đầy cả phòng để có chỗ nằm. Hôm sau, chúng tôi được chia thành 3 (?!) nhóm theo 3 xe chở hàng và địa điểm đến theo ý kiến bên Tỉnh. Hàng hóa thật chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu, nhưng là tấm lòng của người dân Dalat gửi đến bà con Cố Đô mà chúng tôi, HĐ, là người trung gian, là nhịp cầu nối kết đôi bên.

 
 

Huế đổ nát

 
 
 

Quà cho HĐ Huế

 

Những cảnh “vui trong ngậm ngùi” khi phân chia hàng hóa, đã làm chúng tôi bâng khuâng, buồn rười rượi. Các nơi anh em đi toàn là ngoại ô chung quanh Thành Nội, như An Cựu chẳng hạn!, và cũng là nơi chưa an ninh hoàn toàn, cho nên cũng thật may mắn vì khi xong công tác theo xe trở về không bao lâu, địa điểm vừa đến lại súng nổ, bom rơi!

Các ngày kế tiếp chúng tôi được về ở nơi, trước kia là rạp “xinê” Diên Hồng (?) của HĐ. Tại đây, chúng tôi có dịp dùng chung một bửa ăn với anh em HĐ Huế do hai bên cùng góp sức nấu và cũng nơi này gởi tặng phẩm vật đến anh em. Phải nói ngay rằng, toàn bộ anh em luôn luôn trong tình trạng báo động! Ngủ cũng mặc y phục Như thức, balô gối đầu, giày để sẵn ngay chân, hể súng nổ bom rơi là thoát ra khỏi nhà, nép vào hàng cây bên ngoài!. Lý thuyết thì được căn dặn như vậy nhưng thực tế anh em chẳng có chi nao núng! Trong lúc chờ đợi phương tiện trở về, chúng tôi cũng cùng làm công tác dọn dẹp đổ nát với anh em HĐ Huế, cũng có đưa nhau thăm một vài nơi gần đó như Thành Nội với cung điện, ngai vàng thăm nhà Trưởng Trần Điền và đã nghiêm chỉnh chào HĐ trước chân dung Trưởng cùng quan tài còn để trong nhà! Tại đây được nghe kể ngoài Trưởng còn có Trưởng Võ Thành Minh cũng bị VC chôn tập thể! Tắm một lần nơi sông Hương nước chảy lờ đờ, bắt gặp một hai mồ “dã chiến” bên vệ đường lòi cả chân, cùng với HĐ Huế dự buổi mít tinh nơi Phú Vân Lâu. Dĩ nhiên việc thăm hỏi trở về vẫn là ưu tiên hàng đầu! Sau cùng thì được cho biết, từ Huế không có máy bay dám lên xuống nữa, phải vào Đà Nẵng mới có thể.

 
 

Thành nội Huế

 
 
 
 

Rời Huế ra bến phà vào ĐN

 

Tôi không quên (dù không còn nhớ thật chi tiết) buổi sáng sớm tất cả anh em với balô trên vai, một vài thứ vật dụng lỉnh kỉnh trên tay kéo nhau đi xuống bến tàu để đi vào Đà Nẵng, sau khi đã liên lạc và được chấp thuận. Sáng sớm hôm ấy, phố Huế với sương mù, cảnh vật như ẩn như hiện, đoàn chúng tôi đi trên đường... không bóng người qua lại, cảnh vừa... thơ mộng vừa (bỗng dưng cảm nhận!) bùi ngùi như phải chia tay tri kỹ! Tàu nhỏ như loại “xà lan?!“ của hải quân Hoa Kỳ với chừng mươi thủy thủ, chúng tôi được nhắc phải lưu ý: trên đường sông ra đến cửa Thuận An đổ ra biển, tất cả ngồi yên giữa sàn tàu, không đứng dậy đi đi lại lại cho đến khi được cho phép, vì sẽ rất nguy hiểm do bắn lén! Cũng có thể xuống dưới hầm tàu và như vậy có lẻ tốt hơn! LIÊN LẠC SỐ MÙA XUÂN 2016 - Trang 32 Đến Đà Nẵng, chúng tôi liên lạc với anh em HĐ và được đưa về ở nơi Đạo quán. Lại cũng luôn luôn trong tình trạng báo động: không được tự ý đi đâu vì có máy bay trở về là phải đi ngay…!

 

Anh em HĐ Đà Nẵng đã ân cần tiếp đón trợ giúp rất tử tế, đúng là anh em HĐ như ruột thịt!. Được thu xếp cho đi thăm bãi biển Tiên Sa, không dám đến Non Nước vì không an ninh!, thăm qua phố chính..v..v.. Cũng không quên Trưởng Nguyễn Tấn Định, Trung Tá Không quân và là người giúp tìm phi cơ (nay Tr. Định ở Thủ Đô HTĐ và tôi có gặp Tr. ở trại Thẳng Tiến 7 tại Houston, kể từ 1968 mới gặp lại!), đãi anh em một bửa ăn chiều và tôi đã bị Tr. Định “ép” ăn giùm cho Tr. Nguyễn văn Võ, cựu Đạo Trưởng đạo LV… Một chuyện vui nhỏ xin ghi: trong lúc đứng bên lề đợi xe đến để đi thăm Tiên Sa, một bà cũng trọng tuổi đứng cạnh cứ nhìn nhìn rồi quay lưng, rồi lại nhìn. Sau đó bà hỏi tôi, xin lỗi cậu tôi hơi tò mò, tôi chỉ nghe Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa chớ không nghe nói Đạo Lâm Viên, cậu theo Đạo này có thể cho tôi biết là Đạo thờ chi vậy! Khi được tôi trình bày, bà ồ một tiếng, cám ơn và cười cười..tôi cũng cười cười.

 
 

Trên tàu vào ĐàNẵng

 

Đạo quán ĐN

 

Phi trường ĐN - chờ lên máy bay về Đàlạt

 
 

Cuối cùng cũng có được máy bay cho về lại Dalat! Chiếc máy bay nho nhỏ hai động cơ này không đáp xuống phi trường Cam ly vì đã chiều, khoảng 18giờ?, rất dễ bị pháo kích, họ đáp xuống phi trường Liên Khương, cách Dalat gần 30 cây số, và “đạp” chúng tôi xuống để vội vàng cất cánh về Saigon, họ sợ...! Lại may mắn, gặp chiếc xe Minh Trung chạy tuyến đường Saigon-Dalat nhưng trong thời gian này không dám chạy xa, chỉ đến Bảo Lộc rồi quay về! Đây là chiếc xe chạy “chót” trong ngày. Băng ghế giữa và sau, trung bình chỉ ép đến 7, 8 người là hết thở, nay ép 11 người mà vẫn thoải mái!

Năm 1968, Kha 216... nổi tiếng đưa đám ma: trên 30 đám kể cả việc chôn mấy “ông giải phóng(?)”. Trong “kỷ niệm tống táng” đáng ghi nhớ là sau khi “nhặt xác các ông” đưa về nhà xác rồi sau đó đem đi chôn. Chiếc xe vận tải phía sau vì mới làm cái “sườn xe” “ thôi nên còn trống trơn, mui xe chỉ có các thanh sắt! Mười mấy xác (không có hòm trong lúc này là điều dễ hiểu thôi!) quấn bằng tấm ra trải giường của bệnh viện so với thùng xe thì... còn thừa nhiều chỗ quá! Mấy Kha đi chôn, không nhớ bao nhiêu người, đứng níu các thanh sắt hai bên cho khỏi ngã. Xe chạy từ phố (Dalat) đến hồ Than Thở và công binh đã đào sẵn một hố to tướng cách “Mộ Cô Thảo” không xa bao nhiêu, nghĩa là chôn trong khoảng chân đồi của Trại Trường Tùng Nguyên! Khi xe chạy qua “cua” thì xác “các ông” lăn... theo và lăn ngay vào chân các Kha!

Thế là anh em... hết hồn, phải níu tay đu lên các thanh sắt dùng lợp mui xe, hai chân co lại… Bác tài chắc là cũng... sợ đạn nổ... bậy bạ nên lái xe chạy “thục mạng!”, các xác cứ thế mà lăn qua lăn lại không ngừng, các Kha thì... làm Tarzan đu... cây luôn nhưng mắt không rời phía dưới chân mình! Kha sinh Lê xuân Cường, con trai Trưởng Lê xuân Đằng, "nổi tiếng gan dạ" vì... xốc vác các ông này như vác "balô" đi trại ! Tuổi Kha hẵn cũng mau lấy lại sức!, khi "công tác mệt nhọc xong", về đến nhà là cảm thấy khoẻ ngay. Chiều hôm sau lai rai gặp nhau ngoài phố, cùng cà phê cà pháo ôn chuyện vừa qua với thật nhiều kỷ niệm.

Cho đến cuối năm 1974, tôi nghĩ rằng năm 1968 là năm mà các hoạt động xã hội của Kha 216 sôi động nhất. Đôi ba tháng sau khi trại Tân Sanh giải tán, bà con chầm chậm trở lại cuộc sống bình thường, các anh em - trong số này có cả tôi - đi xe Lambretta 3 bánh, một loại xe chuyên chở trong phố, thì... “bị” chủ xe từ chối không lấy tiền công chở, ở dốc đường Minh Mạng bên cạnh tiệm bán vàng Bùi thị Hiếu, lúc đó có một “sạp dã chiến” bán Mì Quảng trên lề đường, một hai lần đi phố khi ngang qua là bà bán hàng kêu to... đến giật mình, mời ghé ăn và nói ngay không... lấy tiền! Tất cả các lần gặp, anh em đều nghe một câu hỏi giống nhau: Cậu quên tôi rồi hả?, và trước sự ngơ ngác của chúng tôi, được nghe tiếp: Ở trường Tân Sanh đó! Về sau chúng tôi phải né đi ngõ khác. Một niềm vui nhè nhẹ len vào tâm hồn mình, phải chăng đó cũng là sợi dây vô hình đã “ràng buộc” chúng tôi với Kha Đoàn Yersin-216, với HĐVN.

 

Gà Lôi tận tụy – TÔ văn Phước