Truyện Ngắn

Điệu Hót Quê Nhà

04.2010

 

Tờ lịch cuối tháng lại rơi.

Tháng Ba lặng lẽ đi qua.

Bà Tư đi tới đi lui nhìn chăm chú vào tờ lịch mới, bất giác bà kêu lên: 

Mới đó mà lại tháng tư, mới đó mà đã 35 năm rồi.

Nhớ tháng tư năm nào của một ngày vật đổi sao dời.  Thời gian thuở ấy Bà Tư còn thật trẻ.  Bà nhớ như in trong lòng thằng hai mới lên một còn ông Tư thời trai tráng hay ở trần khoe với bà nơi cánh tay có hai con chuột nhỏ tới cái bụng săn cứng bắp thịt nổi lên như những trái chanh bé tí hon …tròn trịa dễ thương.  Mỗi đêm nằm cạnh ông bà đều xoa xoa lên cái bụng trần như tỏ lộ niềm yêu thương của bà đối với ông tràn đầy như bát nước.

Cái hạnh phúc nhỏ nhoi bên chồng và đứa con đầu lòng chưa được bao lâu thì dập dồn nơi nơi người dân bỏ chạy, bỏ hết cửa nhà, bỏ tất cả những gì họ đang có trong tay.  Chạy đi đâu?  Không cần biết cứ hè nhau bỏ chạy.

Cái quán nhỏ của bà cũng chẳng mấy ai thiết tha lai vãng, nhìn quanh đâu đâu cũng những gương mặt đăm chiêu, lo âu.  Ai cũng muốn kề cạnh chiếc radio để nghe ngóng…chỗ này mất chỗ kia bỏ ngõ.  Ông Tư đi đi về về  bản tánh ít nói của ông dạo này hình như ít thêm lên.  Giá mà không có thằng hai thì hình như căn nhà này không có bóng người cư ngụ.

Năm tháng dần qua.

Ông bà Tư và đám nhỏ đã ở đây, đã gọi nơi này từ lâu lắm là quê hương thứ hai của mình.  Quê hương thứ hai hay là là quê hương cho những người không còn một lối quay về nơi chôn nhau cắt rún.

Hoa xuân tàn rồi hoa xuân nở.  Hoa ở đây là những bông tuyết trắng giăng đầy, chẳng những phủ kín lối đi về hàng ngày của bà Tư mà còn phủ kín tâm hồn ông bà Tư lâu nay.

Mùa hạ cũng vậy.  Đã bao lần hạ đến bao lần hạ đi nhưng mùa hạ ở đây cũng nào có giống quê nhà với đầy hoa phượng đỏ thắm, mùa hạ ở đây với du khách nườm nượm ghé thăm.  Họ rời nhà đi tìm những phút giây thanh thản sau một năm vật lộn với công việc làm và căng thẳng trong đời sống thường nhật.

Rồi mùa thu đến.  

Khi nhìn những chiếc lá vàng bay bay rơi rụng, khi những thân cây từ từ trơ cành, đám chim vẫn thường làm tổ nơi cửa sổ cạnh mái hiên nhà của bà Tư cũng rời bỏ nơi này bay đi tìm chốn ấm áp.  Hoa cảnh ngoài sân, đám ớt bụi hành cũng trở nên u sầu thì bà Tư lại lụi cụi với ông đi quét lá vàng, hốt đất cũ rồi thay nhau mang đi đổ.

Mùa đông, mùa gió hiu hiu mà lạnh căm căm với màu xám xịt của đất trời.  Với heo may buồn và đầy nhung nhớ thoáng thoáng tới lui làm bà Tư cứ mãi suy nghĩ bâng quơ.

Đó!  Những gì ông bà Tư đã sống và đã ôm ấp từ bấy lâu nay.

Ở đây, người ta được ăn được nói.  Được toàn quyền đi tới đi lui.  

Cái cảm giác an toàn vào ban đêm đã làm bà Tư không còn lo sợ như những ngày đầu mới đến.  Bà không còn nhắc ông phải nhỏ tiếng và ngó trước ngó sau.  Nhưng lâu lâu bà vẫn còn mơ ….cơn mơ đi về thăm căn nhà cũ.  Nhà buồn hiu, quạnh quẽ và vắng làm sao.  Nhìn cái cửa chính thường xuyên khi xưa bà vẫn ra vào nay đã hư hỏng đến độ thảm thương, lần chân leo lên căn gác nhỏ tiếng kêu ọp ẹp hình như lớn hơn cơ hồ lớp ván cũ mèm đang chờ và rơi xuống sàn nhà …bà giật mình thức dậy.  Cũng có lần bà Tư chạy trối chết trong cơn mơ vì bà sợ chàng công an thấy được mình sẽ xét giấy tờ và …bắt kẻ vượt biên…

Cứ như thế mà trãi qua bao năm dài.

 

Một lần đọc Một Nửa Đời Hư của nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng Vương Hồng Sển tới đoạn ông đi mới có mấy ngày ra Huế mà ông nhớ nhà Sàigòn ..tới đứt ruột đứt gan.  Ông nghe chim hót ngoài sân mà cũng muốn hình dung và hỏi chim hót giọng Huế hay giọng Sàigòn?

“….. Sáng hôm sau, còn nằm trên giường nghe bầy sẻ trên cây 
ngay cửa sổ kêu rân, khiến nhớ nhà ghê, chim sẻ bất cứ nơi đâu 
cũng chót chét một giọng, không giọng Huế, giọng Sàigòn gì cả.  
Ngày thường không để ý, nay vừa xa nhà mấy hôm đã khắc khoải
và phân biệt nọ kia…… “

(Hơn Nửa Đời Hư, Vương Hồng Sển, trang 441- 442).

Bà Tư ở đây cũng đã nghe hoài mỗi mùa xuân.

Đàn chim nhỏ mỗi khi nắng ấm là quay trở lại, chúng chào hỏi bạn bè thân quen cũng tay bắt mặt mừng thì phải.  Bằng cớ là mỗi sáng sớm mờ sương, cảnh vật còn ngủ yên và con người cũng còn trùm kín trong chăn ấm.  Nhưng đám chim con đã lôi hàng xóm chúng nó thức dậy ríu rít chào nhau, hỏi han mạnh khỏe thế nào.  Bất giác những lúc ấy, bà Tư cũng muốn đám chim con ấy hót cho bà nghe một giọng điệu quê nhà… rồi bà lại tự trách mình vẫn vơ, rõ là lẩm cẩm.

Điệu quê nhà là quê nhà nào?  Quê nhà Việt Nam, quê nhà nơi đất khách, hay quê nhà là thành phố Đàlạt xa xưa?  Nơi đó ngày xưa có bé Tư bé bỏng, sống an nhàn đầy ắp kỷ niệm?

Ừ!  Giá mà ước được điều ước này, bà Tư sẽ xin đám chim con đang hồn nhiên vui vẻ kia một lần hót cho bà nghe …điệu hót Đàlạt.

Mà điệu hót Đàlạt ra làm sao?

Kệ đi!  Cứ hót đi, tiếng hót sẽ cho bà biết ngay điệu hót quê nhà.  

Còn ông Tư?

Bây giờ ông Tư cũng già lắm rồi.  Nói như người xưa là thất thập cổ lai hi… chưa tới đâu nhưng bắt chước Nguyễn Công Trứ ông Tư cũng hay ngâm nga:

Tứ thập niên tiền….nhị thập bát.

Rồi ông quay qua bà Tư hỏi nhỏ như vậy là tui trẻ hay đã già quá chời hả bà?

Ông chưa già lắm đâu, mỗi lần ăn diện đi đâu xem ông cũng còn láng lẫy rồi thì cũng chính tay bà âu yếm lựa từng chiếc cà vạt, tự tay bà thắt lên chiếc cổ áo sơ mi của ông đã là thẳng nếp, từ đôi vớ, đôi giày….nhất nhất bà Tư đều cũng muốn tự tay mình chăm sóc cho ông.

Bà trân quý, yêu ông chăm sóc ông như những ngày đầu mới về ở với nhau.  Bà cứ nhắc hoài cái điệp ngữ  giá mà không có cái tháng tư này hả ông thì mình giờ này chắc chắn sẽ là ông bà ngoại hay ông bà nội rồi.

Đám trẻ ở đây ăn học thành tài rồi đi ra làm việc, làm việc rồi thì phải siêng năng.  Cái thời buổi gạo châu củi quế này hãng xưởng lên xuống như nước thủy triều cho nên tụi nhỏ cũng phải lo lắng cho nồi cơm nên chuyện gia đình con cái bỗng nhiên trở thành chuyện quan trọng …thứ hai.  Bà Tư lại thì thầm trách cứ giá mà đừng có tháng tư này nhà mình cũng cơm canh ngày hai bữa mình ở nhà coi cháu thì tụi nhỏ sẽ nhẹ gánh bớt phần nào.

Ba đứa nhỏ, hai đứa mang qua từ khi bé xíu, đứa út thì sinh ra ở đây.  Từ khi còn bé cả ba đều được nuôi nấng nâng niu…. vậy mà giờ đã lớn khôn và rời gia đình bao năm dài không đếm được.  Lâu lâu nhớ đám nhỏ ông bà lại khăn gói đi thăm.  Có khi đám con lại đón qua đi thăm rồi du lịch ngắn ngày.  Nhớ các con, bà Tư thầm cảm ơn trời phật đã cho ông bà thân cây với nhiều trái ngọt.  Đứa nào cũng hiếu để dễ thương.

 

Những cây trái này không giống như năm xưa với chuyện kể rằng giống quýt trồng ở Giang Nam thì ngọt, mang sang xứ khác thì trái nhỏ lại chua.  Với bà Tư thì giống quýt ngọt mà ông bà đã chăm sóc nâng niu, mang đi từ nơi quê nhà xa xăm kia còn thêm một giống quýt … gầy ở xứ người vậy đó mà ba cây đều ngon ngọt hài hòa.  Có phải chăng là từ tay người ươm mầm, từ tay người chăm sóc, tưới tẫm phân bón đất đai là những điều kiện tiên quyết để sinh ra trái ngọt?

Chuyện kể năm xưa cũng giống bây giờ nơi xứ người, cũng là phong thổ, cũng là văn hóa văn minh xa lạ, kỷ thuật, kỷ nghệ tân tiến so với quê nhà mình họ đi quá là xa cho nên mình nhắm mắt  chạy theo mà quên mất lối về hay là mình muốn cho mau mất màu da vàng, mất mái tóc đen và mất luôn cái mũi tẹt nên mình phải biến đổi cho nhanh?

Bà Tư vẫn hay nhắc chừng đám nhỏ, các con  cũng biết mà.  Xứ Đức có nhiều cái mà mình phải học, họ rất đúng giờ, sạch sẽ, siêng năng nhưng song song với những điều trên văn hóa Việt cũng phải giữ gìn. Cũng tại tháng tư đen mình mới bỏ xứ mà đi chớ nào là phải chỉ vì miếng cơm manh áo.  Hãy ngẩng cao đầu và hãnh diện mình là người Việt nha con.

Bây giờ bà Tư đã mãn nguyện rồi, bà hay nói với ông là bây giờ bà chỉ còn chờ và đi về quê nhà thăm một lần.  Ông Tư cười cười chuyện đó có gì là to lớn đâu, một ngày nào đó mình sẽ đi.  

Dĩ nhiên hai ông bà sẽ đi về một chuyến. Bà nhất định về Đàlạt và ghé thăm căn nhà nhỏ khi xưa.  Chắc chắn đám chim con vẫn làm tổ trên cành cây bên mái hiên nhà và bay tới bay lui ríu rít.  Chắc chắn nó sẽ hót giọng điệu quê nhà mà lâu nay bà vẫn nằm mơ và nghe thật êm tai.

Một ngày không xa lắm hả ông?

Ông Tư ậm ừ rồi đưa hai bàn tay đầy sậm nâu với những đốm da mồi rồi nheo nheo gỡ mắt kiếng như mỗi lần muốn nhìn vật gì gần trong gang tấc.  Ông tránh trả lời câu hỏi của bà nhiều lần lắm rồi.  Bây giờ mình già lắm rồi, cái gì tới thì tới bà tính toán làm chi cho mệt thân.  Cứ một ngày bình an là mừng một ngày, ông đã tìm quên những nhung nhớ quê hương từ khi về hưu đến nay trong bố vải, khung hình và màu sắc. Ông vẽ những hình ảnh ở quê nhà, ông đem những ngày tháng ở quê nhà vào trong tranh.  Những tấm tranh như:  Trăng trên xóm nghèo, Phố xưa, Trăng lạnh, Chờ đợi, Qua cầu tre…vv..vv..

Mỗi ngày ông bận rộn với màu sơn, cọ.  Ông hay nói với bà Tư đó là cách để đầu óc thảnh thơi và quên đi những nhớ nhung.

Tháng tư buồn.

Đã 35 năm rồi, 35 lần réo gọi tháng tư như muốn ông bà Tư đừng bao giờ được phép quên ngày tháng này.  Một lần đổi đời sao mà buồn như những mùa đông giá buốt ở đây.

Tiếng gió rít qua song cửa, mùa đông đã chấm dứt từ lâu.  Hương xuân đang nhè nhẹ đến bên mình, bộ mặt u buồn của những ngày lạnh lẽo đã mất tan đi vào mây khói.  Hoa lá trỗi dậy, cây cành vươn mình.  Những chiếc áo dày cộm nặng nề của mùa đông đã được xếp lại.  Bà Tư cũng đã soạn cho mình và ông Tư những bộ quần áo nhẹ và màu sắc sáng sũa cho những ngày sắp tới.

Tháng tư năm nào mặt mày ngơ ngáo tay xách nách mang.

Tháng tư năm nào mơ và chờ một bến bờ tự do đón nhận đám người bỏ quê hương xứ sở ra đi.

Tháng tư, tháng tư cứ tiếp diễn như một chu kỳ chấm dứt rồi lại khởi đầu.

 

Đọc lại bài thơ Quê Hương Là Chùm Khế Ngọt nghe sao mà xót xa:

Nghe mãi quê hương chùm khế ngọt
Ngoài sân chim hót rộ mùa xuân
Bếp lửa nhà ai reo tí tách
Má hồng thiếu nữ dáng bâng khuâng.

Đọc mãi quê hương chùm khế ngọt
Mẹ ru như rót mật vào lòng
Mặt trời soi rộ dòng sông nhỏ
Lấp lánh vầng trăng đêm sáng trong.

Nhưng:

Đã thấy quê hương chùm khế đắng
Trẻ thơ chân sáo vắng đến trường
Hố rác, đầu đường hay cuối ngõ
Áo tơi, da bọc rũ dầm sương.

Còn nữa quê hương chùm khế chát
Tổ tiên chinh phạt mấy nghìn năm
Bây giờ từng tấc từng tấc mất
Bùi ngùi hổ thẹn kẻ ghé thăm.

Xót xa quê hương chùm khế chua
Trĩu nặng trên cây trái được mùa
           nên:
Lê, Lý, Lựu, Mai, Lan, Cúc
Rẻ rúng ê hề kẻ bán mua.

Có thật quê hương chùm khế ngọt?
Sao nghe như chua xót trong lòng
Mật ngọt đâu còn như mẹ hát
Lời ru…..

              Xa vời vợi niềm mong.

Nếu quả là chùm khế ngọt thì thi sĩ Hồng Khắc Kim Mai đã không tự dưng biến mình thành một con người khổng lồ, con người vĩ đại có một không hai để mà tất tả xuôi ngược vì áo vì cơm để nuối nấng đàn con thơ dại:

……..

Vác một đàn con trên vai
Ta đi bụi đời
Chín hướng mười phương.

Bằng đôi chân khủng long
Bằng đôi cánh đại bàng

……

Quên thời gian
Quên phấn quên son

…..

Hôm nay nghe con ra trường
Ta rộn ràng
Thấp thỏm soi gương
Mới thấy hoang tàn
Đời dâu biển trên nét mặt

……..

( Dăm ba điều suy nghĩ về văn học nghệ thuật.  Trần Hồng Châu.  Trang 265)

 

Tháng tư, chỉ hai chữ tháng tư mà đã làm đảo lộn biết bao cuộc sống của con người lúc ấy.

Người ta chỉ còn biết hai chữ:  Áo cơm.  Đôn đáo chạy từng bữa:  Áo cơm.  Đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ đến ngày mai:  Áo cơm.  Những người mẹ hiền hòa từ lâu an phận thủ thường, từ bản tính ôn hòa hiền lành nhút nhát.  Rồi chỉ một tháng tư đã biến đổi ra là những kẻ lăn lóc ngoài đường phố.  Chiếc nón lá không che hết được làn da sạm nắng và gương mặt khắc khoãi lo âu, ngày ngày tảo tần xuôi ngược chỉ mong cho các con được miếng cơm no và giấc ngủ an lành.

Nước vẫn cứ chảy xuôi giòng.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua.

Con dấu ấn tháng tư sẽ chẳng bao giờ phai nhòa trong tâm trí ông bà Tư.  Niềm ước mơ cứ ước mơ cho đời sống nhẹ nhàng bớt đi căng thẳng.

Ta sẽ về đâu vào lúc cuối đời?

Thôi thì cứ thản nhiên như không như một nhà tu hành suốt ngày quét lá.

Có điều chỉ một lần chắc là bà Tư sẽ sung sướng lắm.  Nếu một sáng mai thức dậy mà nghe được tiếng líu lo hót ríu rít của đám chim con vườn bên.  Chúng đang gọi và báo cho bà biết mùa xuân lại trở về.

Biết đâu chừng đám chim di  kia sẽ hót đúng điệu hót quê nhà bởi lẻ chúng từ đó …bay sang?

Lúc đó, biết chừng đâu đôi mắt mờ mờ của bà Tư hay đôi tai đã nghe không còn rõ của ông Tư  đều tập trung trân trối nhìn và lắng nghe.

Đúng thật là đây!

Đúng là đám chim con quen thuộc và âm thanh đang hót thánh thót ngoài kia là giọng hót quê nhà.

Nếu quả là niềm mơ ước nhỏ nhoi kia trở thành sự thật thì trên đời này cuộc sống của mỗi con người nào có gì để mà thương mà nhớ mà dằn vặt đến hôm nay?

Mặc dù niềm ao ước bé nhỏ ấy thật tầm thường và đơn thuần.  

 

Minh Trang



Munich, Germany