Truyện Ngắn

Bóng Ngày Qua

2013

 
 
 
 

1970 trở về trước

 

Năm ấy, tôi vừa tròn 19 tuổi. Mộng mơ, yêu đời, tràn đầy sức sống. Tuổi học trò của thời đại hippi, quần ống rộng áo hoa chim cò, tóc cắt ngắn kiểu demi garçon và giày chapeau gót cao hơn gang tay.

Ngày ngày chúng tôi cắp sách đến trường nhưng mỗi cuối tuần là những buổi hẹn hò, gặp gỡ bạn bè, đi bát phố, ăn quà vặt, nhìn ngắm người ….Dalat.

Chung quanh khu phố Hòa Bình là những quán sá, những cô thiếu nữ cũng trạc tuổi như tôi ăn mặc đủ kiểu từ những chiếc áo dài thanh tú đến hoa hòe hay những bộ quần áo thời trang nhí nhảnh hay khép nép đi bên những chàng trai từ trường Võ Bị Quốc Gia hay Chiến Tranh Chính Trị. Con phố cuối tuần ở đây giống như con phố của tình nhân và tình nhân.

Dalat, biểu tượng là một thành phố đẹp, thơ mộng, khí hậu ôn hòa. Người dân Dalat trang nhã, lịch sự. Những con đường ở đây đều là lên dốc xuống đồi như cuối đường Duy Tân lên khu Hòa Bình dốc cao vời vợi, rồi từ khu Hòa Bình đổ xuống hồ Xuân Hương …rồi ta lại lên dốc để đến nhà thờ Con Gà.

Cảnh sắc đẹp, con gái hai má đỏ hồng dễ thương, hoa cảnh chung quanh những ngôi biệt thự bao bọc hồ Xuân Hương hay vườn Bích Câu đầy hoa thơm cỏ lạ không thua kém một ai. Xen vào không khí lành lạnh se se ấy người đi thăm sẽ có nhiều nơi để dừng chân.

Xem này:

Những quán cà phê, ta hãy vào cà phê Tùng ngồi lắng im vài giây để nghe những bản nhạc tình, nhìn cốc cà phê phin đang từ từ nhỏ những giọt sánh đen xuống chiếc ly trong vắt, nơi đây cũng được giới sành điệu ghé nhiều vì mỗi ngày là một chủ đề âm nhạc từ cổ điển đến trữ tình mà giới mê cà phê vẫn thích thú đến uống và thưởng thức nhạc hay.

Đi sang một đoạn đường khác như Minh Mạng chẳng hạn ta có cà phê Tao Đàn, cà phê Kim Vui hay ngồi nhâm nhi một ly trà đá ở Mê Kông rồi thú vị ngắm người đi qua đi lại.

Chưa kể những quán cóc không tên nhưng cứ nghe bạn bè rủ nhau đi uống cà phê cứt chồn ở phố Phan Bội Châu thì ai ai cũng muốn ghé tạt ngang vào uống thử một ly xem sao.

Còn chúng tôi, bọn học trò lúc ấy thì nơi quen thuộc và ghé đến thường xuyên là quán T2, lối đi lên trường Bùi Thị Xuân là bạn sẽ gặp.

T2! Ý nghĩa của hai chữ này đến giờ tôi vẫn không thể biết đó là gì và cũng chưa có thời gian để tìm hiểu. Chỉ biết rằng đó là nơi chúng tôi thường xuyên lui tới, thường xuyên gặp nhau. Ở đó, chúng tôi đã hát với nhau những bài hát học trò, gặp lại bạn bè xưa từ khi rời xa mái trường và trở lại với bộ quần áo chiến binh còn vướng đẫm mồ hôi. Với hương vị những ly cà phê đó thú thật bạn sẽ khó khăn kiếm một nơi khác ngon và đậm đà hơn cà phê Dalat. Có lẽ tôi đã quá khen ngợi và đề cao thành phố, thú đi uống cà phê và con người nơi đây, nhưng sự thật cũng không phải là quá lời.

 

Dalat mộng mơ, phố xá yên lành, dân chúng hiền hòa. Bạn đi đến đâu cũng thấy hoa được trồng và nở rộ. Nào là Mimosa, hồng nhung đỏ thắm, anh đào nở rực rỡ vào những ngày đầu năm. Những con đường thật đẹp với hoa mận trắng hay hai hàng thông đứng vươn mình trong gió.

Đi tiếp nữa là đài phát thanh nơi đó hàng tuần chúng tôi đã đến thâu thanh với ban Hoa Niên và trường học. Cạnh đó là ngôi trường Trí Đức và lùi tí xíu nữa bạn sẽ thấy nhà thờ Con Gà, thỉnh thoảng những trưa hè nóng nực hay xế chiều có dịp đi ngang qua, tiếng chuông gióng lên êm ả, nhẹ nhàng và thật thanh bình, trái ngược với không khí chiến tranh nơi vùng giới tuyến, cũng vì chiến loạn mà bạn bè chúng tôi đã lần lượt rời xa.

Cũng từ khu Hòa Bình ta lại đi xuống dốc Minh Mạng, đến cuối đường ấy là con phố Phan Đình Phùng chạy dài mãi lên số 4, ở đó cứ 3 hay 4 giờ sáng người dân cư ngụ quanh vùng lại được nghe tiếng chuông chùa Linh Sơn vang lên khi chùa chuẩn bị thời công phu khuya.

Kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên là mỗi dịp có văn nghệ hay thuyết giảng ở giảng đường to lớn rộng rãi nằm cạnh chùa này là chẳng bao giờ vắng bóng chúng tôi. Ở đó từng nhóm sinh viên học sinh và tôi đã sánh vai nhau với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trong những lời ca oai hùng tràn đầy tình tự quê hương mà sau nhiều năm dài không biết tôi còn nhớ chính xác hay không:

Nhà Việt Nam có bao nhiêu hoa,
Rừng Việt Nam có bao nhiêu lá,
Là Việt Nam có bao nhiêu trang sử mới….

Là Việt Nam có bấy nhiêu anh hùng.

Tuổi trẻ của chúng tôi buổi ấy có nhiều giấc mơ mà tiếc thay những giấc mơ ấy hiếm khi trở thành sự thực. Nữ sinh chúng tôi học hành có những bạn xong Tú Tài, một phần đi tiếp phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, phần lập gia đình làm vợ, làm mẹ. Phần khác chưa kịp nép bên vai áo người chồng đi lính trận đủ một hai mùa hoa anh đào nở là đã quấn lên đầu vành khăn tang trắng.

Chiến tranh và chiến tranh đã làm cho chúng tôi tan hết những ước mơ.

 
 

Sau 1975

 

Dalat thân yêu của tôi đã theo tôi đến năm 1975, rồi những tháng ngày sau đó là trôi giạt theo sóng người rời quê hương tìm tự do.

Đất nước an lành mà chúng tôi đã được đặt chân đến là Cộng Hòa Liên Bang Đức mà khi còn ở Việt Nam tôi chỉ được nghe thoáng qua từ chương trình phát thanh Việt ngữ phát đi từ Bonn, thủ đô chính của nước Đức lúc đó.

Trải qua đi một thời gian khá dài để học, hành, hội nhập và rồi 16 tiểu bang của nước này đã thống nhất thành một khối sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Âu Châu đã trở mình mang một luồng gió dân chủ tự do ngoại trừ mỗi một nướcNga sô vẫn còn nhuộm đỏ.

Nói sơ về nước Đức, quốc gia hơn 80 triệu dân là một cường quốc, nhắc đến quốc gia này chắc chắn là các bạn sẽ nghĩ ngay đến hai hãng xe hơi BMW và Mercedes nổi tiếng khắp hoàn cầu, bây giờ đến máy bay Air Bus, xe tăng, súng đạn, sắt thép, phi cơ quân sự vv…vv…đang tăng dần đơn đặt hàng khắp nơi.

Nước Đức là một quốc gia đồng chủng, ngoài những kỹ thuật tân tiến họ còn nổi tiếng là một sắc dân siêng năng, sạch sẽ, thích chưng bày hoa cảnh vườn tược, và luôn luôn đúng giờ đúng hẹn với mọi người. Việc khen ngợi này tuy có phần đề cao nhưng thực sự là như thế.

Bạn ở đây, hệ thống an sinh xã hội là một điều tự hào mặc dù sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ chính quyền quốc gia này đã cưu mang 6 đến 7 tiểu bang bên Đông từ A đến Z.

Chung chung 16 tiểu bang của nước Đức là như thế, riêng tiểu bang Bayern, và thành phố Munich nơi chúng tôi cư ngụ thì điểm nổi bật của thành phố này là mỗi năm với lễ hội tháng 10 chỉ trong hai tuần với 6 đến 7 triệu du lịch khắp nơi trên thế giới và người bản xứ ghé đến chỉ để vui chơi uống từng ly bia cao đựng 1 lít đầy. Người dân Việt ở đây cũng không ngớt trầm trồ ngợi khen cũng như hãnh diện với Philip Rösler, một người Đức gốc Việt đang là đảng trưởng của đảng FDP.

 
 

Từ Dalat đến Munich.

 

Cô nữ sinh năm nào, sinh ra và lớn lên ở một thành phố thật hiền hòa, tôi đã thật vui và sung sướng khi nhận nơi này là quê hương thứ hai của tôi. Nếu có phải so sánh hai đời sống Mỹ nơi tôi đã từng sang thăm viếng và nước Đức nơi tôi đã ở hơn 30 năm dài.

Nước Mỹ nơi tôi ghé thăm được tôi đặt tên là Sàigòn với nóng nực, ồn ào, người người tất bật đi đi về về, tới lui không ngừng. Còn nước Đức, nơi tôi sinh sống thì được tôi thay tên là Dalat với cuộc sống nhẹ nhàng, êm đềm mát mẽ…Người người mọi ngày như mọi ngày từ tốn bước lên xe đi làm và mỗi buổi chiều lại từ tốn trở lại nơi mình cư ngụ.

Người Đức hình như chỉ lo tìm một nơi du lịch mới cho những ngày nghỉ hè hàng năm của họ mà thôi. Với 30 ngày nghỉ phép hàng năm chưa tính ngày nghỉ lễ nghỉ ngơi và đi du lịch được người dân bản xứ đặt lên hàng đầu….

Khúc quanh từ Dalat đến xứ Đức đã được dừng lại. Và tôi, cô học trò bé bỏng năm nào giờ đã hơn 60 tuổi.

Cứ kể về kỷ niệm và nghĩ đến quê hương vẫn là những nét chấm phá trong bức tranh muôn màu chưa hoàn tất trong cuộc đời của tôi.

Những màu sắc đẹp này xin mãi mãi nhớ và cất giữ như những báu vật trong đời.

 

NGUYỄN THỊ MINH TRANG