Truyện Ngắn

Bếp Núc

08.2008

 
 

Mới đọc cái tựa Bếp Núc chắc chắn mọi người ai cũng nghĩ ngay đến những món ăn khéo léo do bàn tay của các bà, các bà mẹ hay các chị đang chờ dịp trỗ tài.

Nhưng không phải dzậy đâu nha.

Nhớ lại năm Mậu Thân 1968…

Lúc đó tôi vừa 17 tuổi, ai cũng nói 17 bẻ gãy sừng …một con trâu ? Có lẽ sai rồi, với tôi có thể sẽ bẻ gãy… hai ba sừng con trâu lận? Bạn có tin không ? Tại vì ở nhà ai cũng gọi tôi với cái tên không mấy dễ thương : con nhỏ mập… mập mà… lùn! (Giống y như những lần trong trại Hướng Đạo hòa nhạc vậy đó).

Vào đúng ngày mồng một Tết năm Mậu Thân, pháo và tiếng súng không mấy nhiều khác biệt nên khắp Đàlạt nghe súng nổ ai cũng ngỡ bà con mừng ba ngày Tết đốt phát cầu may , nhưng khi biết ra là Cộng Sản đã vi phạm lệnh ngưng bắn và tổng tấn công dân chúng ở đây đã không dấu được nổi kinh hoàng khi nhìn bom đạn rớt xuống cày xéo nát nhà cửa , dân chúng chạy tứ tán , trâu bò, heo gà , chó mèo …vv..vv..kể cả thây người chết nằm la liệt khắp nơi.

Ngoài đường lệnh giới nghiêm 24 trên 24 đã ban hành nên phố xá trong ngày Tết trở nên đìu hiu vắng vẻ như một bãi tha ma.

Lúc đó ( lúc tôi được biết và là chứng nhân cho sự việc) là anh em Hướng Đạo Kha Yersin đạo Lâm Viên Đàlạt đã đứng ra xin phép cùng chính quyền địa phương được đi ra dọn xác người, chở bà con bị thương vì lạc đạn lên bệnh viện hay chở những người tan nhà mất cửa vào nơi tạm trú và chỉ vỏn vẹn có hai chiếc xe tư nhân được xử dụng để chạy khắp nơi trong thành phố , một chiếc của Trưởng Phan Bá Phi và chiếc thứ hai của cố Trưởng Nguyễn Văn Minh ( anh Hai của tôi).

Anh em Hướng Đạo của Kha Yersin đã dùng hai chiếc xe này để mang những xác chết chở lên nhà xác, thú vật chết được đào đất để chôn, bà con lạc nhà tan cửa được mang đến hai trường học, một là trường Việt Anh của Trưởng Lê Phỉ , một là trường Tân Sanh của người Hoa ở Đàlạt.

Vì việc làm thiện nguyện và đầy ý nghĩa đó , sau Tết Mậu Thân anh em Hướng Đạo Kha Yersin đã là thần tượng của nhiều cô thiếu nữ ở đây, với bộ đồng phục chiếc quần Jean, áo kaki vàng và chiếc khăn quàng màu đen cộng thêm những chàng thanh niên mới lớn lên lòng tràn đầy nhiệt huyết hăng say tận tuy hy sinh mà không chờ cầu báo nên Kha Yersin… nổi như cồn.

Đến khi Kha Đoàn xin được một hay hai chuyến máy bay chở gạo, rau cải , đồ đạc tặng phẩm cứu trợ mang ra Huế ủy lạo thì chuyến trở về Kha Yersin thành …những người hùng Hướng Đạo.

Tôi chỉ được biết một vài Kha Sinh trong số này vì hay lui tới với anh Hai của tôi như Phan Bá Phi, Nguyễn Tấn Dũng , Nguyễn Hoàng (đã mất) …vv..vv.
Còn anh Gà Lôi Tận Tụy Tô Văn Phước như lời Trưởng Gấu Chăm Chỉ Trần Xuân Đức ở Mỹ viết : Cái mặt thì ..ngầu nhưng cái tâm thì Phật… nhưng lúc đó tôi chỉ thấy.. cái mặt thì ngầu khó ưa mà chưa kịp nhìn ra… cái tâm thì Phật của anh Gà nên mỗi lần gặp ở phố hay tình cờ phải giáp mặt là cô con gái 17 mập mập ..mà lùn này đã thật nhanh ..lạng qua con đường bên kia và biến mất.

Anh Hai tôi đi sinh hoạt với Kha Yersin khá lâu, tài đàn và hát của anh khá lắm . Tôi còn nhớ như in bài : Kha Yersin Hành Khúc do anh sáng tác mừng ngày thành lập Kha Đoàn:

Khăn quàng màu đen chính danh Kha Đoàn,
Công việc gian nan vẫn lo chu toàn,
Khăn quàng màu đen tiến chứ không lùi,
Bao gian nguy ta nề hà chi , theo BiPi!
221166 Kha đoàn mình nhớ muôn đời vì màu đen màu của quê hương.
Kha Đoàn mình nhớ tôn thờ 10 điều luật BiPi giao cho.

Cố Kha Sinh Nguyễn Văn Minh

Vì bài hát của anh Hai tôi sáng tác nên cả nhà cứ nghe anh đàn và dợt mãi cho quen, chị em chúng tôi cứ hát đi hát lại thuộc lòng lúc nào không hay. ( Viết đến đây không biết anh em Kha Yersin có còn ai nhớ đến bài hát này và có ai còn biết hát hay không?)

Rồi 1971, Ba Má và anh Hai tôi qua đời. Khúc quanh bây giờ mới rẽ đi, ngày đưa tang , trước và sau đó Kha Yersin đã đến giúp và lo lắng chu đáo . Phần anh Hai tôi là Kha Sinh, phần lại gia cảnh chúng tôi chỉ còn trơ trọi mấy chị em.Cô nữ sinh bây giờ đã 20 tuổi , vẻ trẻ trung vô tư lự đã nhanh chóng biến mất , hoàn cảnh và thực tế nhìn vào đã thấy mình già đi trước tuổi dù chỉ mới trãi qua có vài ba tuần…..

1973…” Cái mặt thì ngầu, cái tâm thì Phật “ kia đã đi đến quyết định …dại khờ là cưới tôi làm vợ!

Bây giờ thì chuyện Bếp Núc mới bắt đầu…

Đám cưới xong chúng tôi vẫn hay ăn sáng chung với nhau bằng những món ăn mua ở quán, xôi , bánh mỳ hay hay những món gì mua ở gần nhà. Cái bếp là nơi tôi ít ghé vào và khi Mẹ mất đi tôi lại càng ít ghé hơn. Các em đi học về nấu gì thì ăn nấy không khen hay chê gì cả. Còn anh Gà trưa hay chiều đi làm về anh hay ghé trên Chú Thím chồng của tôi phụ giúp một phần sổ sách( nhà có xe vận tải giao hàng ngày ngày Phan Rang- Đàlạt nên mỗi ngày tiền bạc sổ sách rất là bận rộn ), sau đó anh dùng cơm trên đó luôn mới trở về nhà. Phần tôi thì chỉ ăn với các em của tôi nên và cũng không hề nghĩ ra anh chê …tài nấu ăn quá dỡ và né tránh cơm nhà.

Tôi từ nhỏ vốn đã không .. ưa nhà bếp, lớn lên chỉ biết đi học , giờ thì Mẹ đã qua đời tôi lại càng ít ghé hơn, càng lại ít dịp trau dồi , nấu cá đã thật khó ăn, kho hay canh lại càng dở tệ, món mực xào thì cứ cắn nhầm cái gai ..trong râu vì không biết bỏ đi nên cứ thản nhiên cho vào chảo cho nên trong nhà quen… ăn tệ như vậy còn người biết ăn như anh Gà thì chỉ từ… bị thương tới chết khi ăn món ăn do tôi hoàn thành và nói chung người ngoài khó có ai thưởng thức nổi.

Ngược lại bà Thím chồng của tôi nấu ăn tuyệt hảo, món nào bà cũng nấu rất ngon, Chú chồng của tôi nổi tiếng món cơm gà ( cũng gà) , mỗi lần được ăn tôi đều khen nức nở.

Thấy ngày nào anh Gà cũng lên và ở lại ăn cơm xong mới về. Có lần Thím đã để ý và hỏi dò sao không về nhà ăn cơm chung với vợ con mà cứ ăn ở đây , bộ có gì không vui ? Anh còn lẹ hơn gà mổ thưa rằng vợ con nấu nướng thật là khó ăn , nhất là những món cá mắm …con thiệt là muốn chết …mà không nở chê sợ vợ con buồn…..Nghe vậy Bà cho nhắn tôi lên và tận tâm chỉ dạy . Thịt thì làm ra sao, nhìn và mua thế nào? Mắm muối gia vị ra sao, cá tôm mực là đồ biển , đem lên Đàlạt thì không còn tươi, phải gia vị ra sao, ướp chiên như thế nào ……nhất nhất chỉ dạy.

Thì ra …tài nấu nướng của tôi quá ư là tệ mà” cái tâm thì Phật” kia không nở nói ra chỉ im lặng sống qua ngày…

Sau thời gian thực hành với bà Thím chồng của tôi, thấy phần thực hành của tôi đã có phần khá . Ngày đó quen lệ anh cũng ghé lên nhà định cũng ăn cơm rồi mới về , Thím chồng tôi đã đứng chờ ở cửa nhỏ nhẹ nói với anh : giờ vợ con đã biết nấu nướng chút ít, con về ăn chung cho vợ con vui…..

1978, chúng tôi rời quê hương và may mắn đến bến an lành. Nước Đức dễ thương đã mở rộng vòng tay chào đón chúng tôi và gia đình tôi cũng là một trong số 80người Việt Nam tỵ nạn đầu tiên định cư ở tiểu bang này.

Xứ lạ, tiếng lạ , thức ăn càng lạ lẫm, bây giờ tôi thực sự làm vợ, làm mẹ đúng nghĩa. Ngày ngày lo ba bữa ăn cho gia đình, thức ăn chính ở đây là khoai tây , nui và Knodel ( loại làm với bánh mỳ đã cũ cắt nhỏ trộn trứng và sữa vo viên luộc ăn với thịt nướng hay quay, loại làm bằng khoai tây xay mịn trộn sữa, bột mỳ vo viên và cũng luộc) Còn anh Gà trong thời gian ổn định đã liên lạc và nối lại mối dây cùng anh chị em Hướng Đạo khắp nơi. Chi nhánh Đức cũng từ đó mà thành hình , những lần trại đã được tổ chức nối tiếp đến ngày hôm nay.

Còn tôi, nhờ vào những lần đi trại tôi đã học hỏi thật nhiều , nhớ lần đầu tiên tổ chức Trại Tự Lực cho 5 nước ở Âu Châu tham dự, có Pháp, Ý, Na uy, Hòa Lan và chủ nhà là chi Nhánh Đức, nhìn số trại sinh ghi danh là 184 người chưa kể quan khách, tôi sợ đến phát run, ăn cái gì, tính toán ra sao , trại phí thế nào cho vừa túi tiền anh chị em cất công về tham dự ? Tôi sợ đến nổi cứ cộng trừ nhân chia mà mãi cũng không xong.

Bây giờ , tôi đã khác xưa nhiều lắm, nhờ vào những lần đi trại , được làm quen những bạn bè mới, những anh chị với những kinh nghiệm bản thân, những kinh nghiệm trường đời , mỗi người vài ba bí quyết , từ cuốn sổ nhỏ ghi chép nay tôi đã có một cuốn ..sách to dày và thật nhiều món ăn ngon , dễ làm , dễ nấu. Cũng nhờ đó tôi có thể tự hào và không còn sợ hải khi chuẫn bị cho số lượng từ 10 hay 20 hay 50 hay nhiều nhiều hơn nữa. Cứ theo phương pháp làm dự án , lên chương trình , trại phí lúc nào cũng nhẹ, ăn ngon , đầy đủ.

Một câu nói của cháu Phượng Nam đứa con trai thứ nhì khi lên ba tuổi đã thỏ thẻ với tôi: Từ khi con được …quen với má, má là người nấu ăn ngon nhất.

Sau những năm dài sống ở đây, lòng tôi thật vui khi tôi biết được thực sự sự quý giá của cái bếp nhỏ nhoi này, ở đây nói đúng nghĩa là một cái chìa khóa thật là quan trọng cho hạnh phúc gia đình. Những buổi sáng bên nhau, uống ly càphê nóng, trưa chiều những ngày cuối tuần hay những buổi chiều sau khi tan sở ngồi bên nhau ăn chén cơm nóng dẻo,tô canh chua bốc khói,dĩa cá kho thấm tháp thơm lừng hay khi bạn bè tới lui thăm viếng bày vẻ món này món nọ….

Mời các bạn Hướng Đạo cứ tự nhiên ghé thăm. Bây giờ những món ăn ..lẻ tẻ như cơm canh , cá mà ngày xưa tôi ..trốn biệt nay tôi còn dám …khoe với các bạn từ phở, bún, hủ tiếu , bò kho, cháo, bánh cuốn , bánh xèo cho đến lẫu, tôm nướng , tôm rim,cá chưng , cá hấp , càng cua rang hay khó và nhiều công như vịt quay , bánh bao , xá xíu . há cảo …Tây , Tàu, Ý . Đức..vv..vv.

Cô con gái năm nào chỉ biết rong chơi và người chồng… cái mặt thì ngầu nhưng cái tâm thì Phật đã thật lòng không chê bai, nhờ những người bạn Hướng Đạo , những cảm tình chân thật mà bây giờ cái tài Bếp Núc của tôi đã được gọi là….

Các bạn cũng đã biết , Âu Châu hay Mỹ Châu, ngoài cái gọi là đời sống cao và còn đầy dẫy cám dỗ của vật chất đã làm cho không ít con người phải chạy theo cho kịp vì vậy không chỉ có mỗi người chồng mà người vợ cũng phải phụ tay nếu muốn tạo một mái gia đình êm ấm , đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho nhu cầu đòi hỏi. Ngoài thời gian mệt mõi ở sở làm, về đến nhà được thưởng thức một món ăn hạp khẩu vị, trong không khí êm đềm bên vợ chồng con cái , tài nấu nướng của người vợ (đa số) hay một vài món sở trường của người chồng( hiếm hoi) đó không phải đã làm cho mái ấm gia đình càng ngày càng ấm êm hơn lên sao? Nhất là ở đây, nước Đức mùa đông kéo dài hơn cả mùa hè gấp bội thử hỏi vị trí cái bếp quan trọng đến dường nào? Chưa nói đến những lúc tiệc tùng sinh nhật , khoản đãi bạn bè thì Bếp Núc cũng là lúc người chồng vui có chút hảnh diện mang ..người nấu ra khoe.

Cảm ơn anh Gà, cảm ơn các bạn ở Kha Yersin ngày nào đã đưa tôi vào gia đình Hướng Đạo, cảm ơn anh chị em Hướng Đạo trong Chi Nhánh Đức đã cho tôi một phần thưởng quý giá trong suốt thời gian nhận nơi này làm quê hương.

Viết để tặng cho anh tôi cố trưởng Nguyễn Văn Minh
Cho anh Gà lôi tận tụy Tô Văn Phước
Cho anh chị em Hướng Đạo Chi Nhánh Đức
Cho Gấu chăm chỉ Trần Xuân Đức

 

Minh Trang Oanh Oanh Hùng Khí



Munich, Germany
tháng cuối năm 2008